Dân Việt

Tin mới vụ cô giáo mầm non bị tố nhốt trẻ trong nhà vệ sinh rồi… quên luôn

Diệu Thu 28/03/2017 18:40 GMT+7
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết, ngoài hai cô giáo, Hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm để xảy ra sự việc đáng tiếc.

img

Cô giáo nhốt học sinh trong nhà vệ sinh và bỏ quên (ảnh: Hoàng Thanh)

Vừa qua, sự việc một cô giáo mầm non xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nhốt học sinh 4 tuổi trong nhà vệ sinh và ra về đang khiến người dân xôn xao.

Theo phản ánh của phụ huynh học sinh, cô giáo tên V.H (giáo viên tại trường Mầm non Hương Sơn) trên địa bàn thôn Yên Vĩ, xã Hương Sơn đã nhốt bé gái 4 tuổi trong nhà vệ sinh. Đến khi tan học, bà nội của bé đến đón cháu nhưng không thấy cháu đâu.

Sau đó, gia đình cháu bé tiếp tục đến trường để tìm cháu nhưng không còn giáo viên nào ở trường vì lúc đó đã hết giờ làm việc.

Sau một hồi huy động mọi người tìm nhưng không thấy cháu bé, gia đình đã nhờ UBND xã Hương Sơn thông báo sự việc cháu bé mất tích lên loa phát thanh xã vào lúc 20h tối 21/3.

Lúc ấy có người dân đi qua trường và nghe thấy tiếng khóc bèn trèo tường vào trong trường thì thấy bé gái đã khóc sưng mắt trong nhà vệ sinh của trường và liên tục gọi: “Bà ơi cứu con với, con sợ lắm”.

Khi nghe loa phát thanh trên xã thông báo có học sinh mất tích, cô giáo tại trường mầm non Hương Sơn mới nhớ ra và gọi điện cho đồng nghiệp là trước đó mình đã nhốt học sinh 4 tuổi kia vào nhà vệ sinh. Hết giờ giáo viên này ra về và quên luôn học sinh đang bị nhốt.

Chiều 28/3, ông Đặng Văn Viện - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mỹ Đức nói: “Hiện nhà trường tạm đình chỉ công tác với hai cô giáo trên để xác minh làm rõ sự việc theo quy định, sai đến đâu, xử lý đến đấy”.

Cũng theo ông Viện, về phía nhà trường, ngoài hai cô giáo, Hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý chung bởi mặc dù là người đứng đầu nhưng để xảy ra sự việc đáng tiếc. Hiện, hội đồng kỉ luật nhà trường chưa chính thức họp mà đang phải xác minh thêm về sự việc.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, hành vi của cô giáo rất đáng trách. Điều này cho thấy các cô thiếu bình tĩnh, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm và sai lầm về phương pháp xử lý.

Thay vì dọa, nhốt trẻ, cô giáo cần dỗ dành, động viên, vỗ về trẻ… để tạo cho trẻ cảm giác gần gũi và an toàn.

Theo ông Minh, đối với những giáo viên có hành vi phản cảm với trẻ trước hết phải xử lý nghiêm minh, không được nhờn Luật. Nếu giáo viên vi phạm phải xử lý giáo viên và xử lý người đứng đầu cơ sở giáo dục. Mức cao hơn nữa là xem xét, rút giấy phép hoạt động của cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm.