Nghệ nhân Hoàng Yến
Sắp đặt cả cuộc sống
Hoàng Yến hiện có 1 "gia tài" vô cùng quý giá: chị đã sáng tác hơn 100 bức tranh được “vẽ” theo kiểu sắp đặt từ các món ăn khiến bất cứ ai cũng có thể 'ồ à'. Trí tưởng tượng quá phong phú của Hoàng Yến đã mang chị đi xa, xa hơn chính những dự định của chị.
“Thuở nhỏ, tôi thường ra siêu thị hoặc chợ để ngắm nhìn thức ăn. Và ngay lúc ấy thì tôi đã hình dung ra ứng với mỗi món thì có thể là đồ vật hoặc con vật nào đó. Ý tưởng ấy luôn ám ảnh tôi, và lần nào tưởng tượng ra xong, thì tôi cũng đều tự nói với mình: ủa, sao nó hay quá ha!”, Hoàng Yến mở đầu câu chuyện.
"Trăng rằm sáng quá"
Cuộc sống của tuổi trưởng thành nhiều nỗi lo toan hơn. Hoàng Yến trở thành cô giáo dạy Anh văn tại Sài Gòn. Sau đó thì trở về Nha Trang, gầy dựng hạnh phúc và công việc kinh doanh. Mọi thứ cuốn đi, cho tới 1 ngày vào năm 2015 thì Hoàng Yến được đọc các bài báo về siêu trăng. Khi ấy chị đang nấu canh xương cà rốt thì tự nhiên ý tưởng chạy xẹt qua. “Trăng rằm sáng quá” ra đời như thế mà theo chị lúc đó là “cái duyên không thể giải thích được”. Ở nhà có sẵn chiếc đĩa lớn rồi, nên Hoàng Yến ngay lập tức sắp đặt các đồ ăn lên là hòa hợp được liền. Khi tác phẩm hoàn tất, chị lấy iPad chụp lại mà xúc động quá, cứ nghẹn ngào hoài. Vì tự nhiên, bao nhiêu kỷ niệm thời ấu thơ cứ ùa về ào ạt không làm sao cản được.
Hoàng Yến kể: “Ngay khi ấy, tôi đột nhiên nhận ra rằng đây chính là đam mê của mình: sắp đặt các bức tranh bằng thức ăn. Bởi lẽ nếu đã là đam mê rồi, thì khi chống chếnh vẫn có thể vịn vào đó, để đi qua 1 cách vững chãi và bình an”.
Làm tranh như có người bạn chia sẻ
"Đợi mẹ về"
Thời gian đầu, thấy bà xã bỏ bê cả công việc kinh doanh đang tiến triển thuận lợi để cứ ngày ngày đi chợ mua đồ và ngồi sắp đặt, ông xã Hoàng Yến có vẻ không ủng hộ. Hơn thế, việc đi mua các món đồ lại theo ý tưởng của bức tranh đã sẵn trong tưởng tượng, nên Hoàng Yến không suy tính gì về tiền bạc, cứ thấy phù hợp là mua. Không khi nào chị để ý tới giá cả. Thậm chí, mua về lần đầu chưa thấy phù hợp, thì lại đi tìm mua tiếp, tới khi nào ưng ý mới thôi.
Một lần, Hoàng Yến đang làm bức tranh “Đợi mẹ về” thì thấy cần phải ra ngoài kiếm mua loại bánh khác cho phù hợp, dù trước đó đã tha về những 6 loại bánh khác nhau rồi. Trời giữa trưa đang nắng gắt, ông xã hỏi em đi đâu vậy. Yến trả lời, em cần đi mua lại bánh, vì thấy các loại đã mua không thích hợp vào trong bức tranh. Khi ấy, ông xã đã can, thôi dẹp đi, mất thời gian quá em. “Nhưng tôi bị sự trống trải của bức tranh trong tưởng tượng thôi thúc phải ra ngoài tìm mua bằng được. Và ông xã thấy tôi quyết tâm như vậy, thì sau này đã hiểu, thông cảm và chia sẻ hơn”, nữ nghệ nhân nhớ lại.
"Mẹ kể con nghe"
Nếu như không ngồi ngắm từng bức tranh mà Hoàng Yến đã làm, không ngồi nghe chị kể về từng tiểu tiết và cảm xúc khi thực hiện công việc “lạ đời” này, thì thật sự ít ai có thể hình dung nổi câu chuyện đi theo từng bức tranh sắp đặt bằng món ăn ấy. Khi cảm xúc và ý tưởng ào tới, thì áp lực của Hoàng Yến là phải làm thật nhanh. Làm nhanh để rau không bị héo, làm nhanh để đồ ăn không bị biến đổi. Và cảm xúc ấy dẫn dắt chị chạy theo nhiều lúc hụt cả hơi, cuống quýt cả lên. Tới khi tác phẩm hoàn tất rồi, thì các giác quan mới được nới lỏng ra chút xíu và dần dần tâm lắng xuống. “Không có gì có thể đổi được niềm vui này. Đó chính là cuộc sống của tôi. Khi sắp đặt xong các bức tranh, tôi cảm giác như có người bạn chia sẻ, tâm sự. Và chưa bao giờ tôi bị hụt hẫng”, Hoàng Yến cho biết.
Cứ mỗi lần thực hiện xong bức tranh nào đó, Hoàng Yến lại chụp hình đưa lên Instagram. Nhiều người coi bức tranh với sự ngạc nhiên tột độ. Nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha David Rocaberti sau khi theo dõi các tác phẩm của Hoàng Yến đưa lên, đã viết lên trên trang Instagram rằng: “Không những tôi thích cách sắp xếp rất nghệ thuật của bạn, mà con gái tôi cũng mê đắm các tác phẩm này vô cùng”. Đọc những lời khích lệ động viên ấy, Hoàng Yến mừng lắm. Chị mỗi ngày lại thêm các ý tưởng để liên tục thực hiện công việc theo cảm xúc điều khiển mình.
Ám ảnh
"Kỷ niệm tuổi thơ"
Cuộc sống gia đình, tình cha con và tuổi ấu thơ là xu hướng cảm xúc chủ đạo trong các tác phẩm sắp đặt tranh bằng thức ăn của Hoàng Yến. Chị thừa nhận rằng đã trải qua tuổi thơ hết sức êm đềm và đẹp đẽ nên luôn nhớ về ký ức ấy với tất cả sự lung linh tuyệt đối. Chính vì vậy, mà có lần làm bức tranh “Ngày xưa còn bé” - phác họa hình ảnh 2 đứa trẻ đang mua cà-rem ăn, Hoàng Yến đã bị ám ảnh mãi về đôi chân trần của các bé do hoàn cảnh khách quan mang tới. Lúc ấy, chị đã thực hiện xong công việc chính sắp đặt, chỉ còn nghĩ cách làm đôi dép cho các bé trong bức tranh. Nhưng vào thời khắc đó, thì chị đã quên hẳn thời gian: trời chiều đã ngả vào tối sậm rồi. Không thể kéo dài hơn được nữa, vì còn phải chụp lại bức tranh trước khi ánh sáng tắt hẳn, và đồ ăn héo rũ, nên 2 em bé trong bức tranh phải đi chân trần. “Tôi đã ân hận và day dứt mãi. Tôi còn nợ “nhân vật” của mình đôi dép và phải “trả giá” bằng sự ám ảnh khôn nguôi”, Hoàng Yến kể về chi tiết trong bức tranh ấn tượng.
"Che chở"
Là con gái út trong 1 gia đình có truyền thống dạy học, Hoàng Yến cho biết chị luôn được bố mẹ và anh chị cưng chiều. Bởi vậy mà sau này bước chân vào chốn thương trường, nhưng chị vẫn giữ được sự hồn nhiên và trong trẻo như tuổi ấu thơ hạnh phúc. Để rồi từ đó, những câu chuyện bằng tranh từ thức ăn được phác họa lên thật sự chạm tới cảm xúc người coi tranh. Vì ở nơi đó, là mái ấm, là gia đình, là tình ruột thịt…
Hiếm có người đàn bà nào giữ được lâu dài sự trong trẻo ấy, như Hoàng Yến. Nữ nghệ nhân chia sẻ, nghệ thuật kích thích được vị giác, khiến nhiều lúc chị cũng đẩy mình đi trong xúc cảm thật nhanh, để dừng tay thì được thưởng thức các món ăn đang bày ra quanh đó. Thức ăn thành tranh được, thì cuộc đời này còn nhiều điều đáng để khám phá và yêu thương lắm!
* Tít bài do Dân Việt đặt lại.