Dân Việt

Hậu duệ “tiến sĩ thực hành” nối nghiệp làm rừng

Phan Phương 30/03/2017 19:00 GMT+7
Trong 5 người con trai của ông “tiến sĩ thực hành” Ngô Văn Lý, có lẽ Ngô Xuân Dũng là người thừa hưởng trọn vẹn nhất ở cha mình một tình yêu son sắc với đất, với rừng.

Ở những thời điểm khó khăn nhất, trong khi những người anh em khác của mình đều có những hướng đi khác, thì Dũng vẫn thủy chung với việc trồng, chăm sóc rừng và tình yêu đó đã giúp Dũng có thể trở thành bất cứ lúc nào anh muốn…

Người cha nông dân… tài ngang tiến sĩ

img

Anh Ngô Xuân Dũng trong vườn ươm cây giống huỵnh. Ảnh: P.P

Trong chuyến công tác tại Quảng Bình mới đây, Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý đã đến thăm trang trại vườn rừng của anh Ngô Xuân Dũng. Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lý đã rất ấn tượng và phấn khởi khi nghe anh Dũng kể lại quá trình hàng chục năm chinh phục vùng gò đồi để lập trang trại và trồng nên cánh rừng gỗ huỵnh quý hiếm này. 

Tôi trở lại làng Đông Sơn, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi cách đây hơn 20 về trước người nông dân, thương binh Ngô Văn Lý đã ghi nên một kỳ tích làm các nhà khoa học lúc bấy giờ vô cùng sửng sốt, đó là đã tự nhân giống và trồng thành công cây huỵnh - một loài gỗ rừng có giá trị kinh tế cao, đang bị khai thác kiệt quệ ngoài tự nhiên. Kết quả bất ngờ đó đã khiến ông Phan Thanh Xuân - Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp lúc bấy giờ phải thốt lên: “Ông xứng đáng đặc cách phong… tiến sĩ thực hành!”.

Sở dĩ ông Xuân nói như vậy, bởi lẽ ở thời điểm đó các nhà khoa học vẫn đang loay hoay trong phòng thí nghiệm để tìm cách nhân giống loài cây gỗ rừng này mà chưa thành công. Và có lẽ đó là một cách xứng đáng nhất để ghi danh ông Ngô Văn Lý, một nông dân đã đổ nhiều mồ hôi, công sức và sự kiên trì sáng tạo để làm nên một kỳ tích có thể nói là tài… ngang tiến sĩ.

Bây giờ ông Lý đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng di sản của ông vẫn mãi còn đây, hiện diện rõ nét trên từng góc vườn, cánh rừng ở vùng gò đồi Cự Nẫm. Hầu như ở Cự Nẫm trong góc vườn, trang trại nhà nào cũng trồng cây huỵnh, nhưng nhiều nhất và thành rừng thì chỉ có ở trang trại của anh Ngô Xuân Dũng, người con trai thứ 4 của ông Ngô Văn Lý.

Trong suốt câu chuyện của chúng tôi, anh Dũng luôn tự hào nói rằng, anh không chỉ thừa hưởng được từ người cha của mình đức tính cần cù, không cam chịu đói nghèo mà đó còn là một tình yêu với đất, với rừng đến son sắt, thủy chung.

Hai lần bán nhà

img

Anh Ngô Xuân Dũng giới thiệu với Phó Chủ tịch Hội ND Việt Nam Nguyễn Hồng Lý về vườn tiêu của gia đình.  Ảnh: P.P

Theo lời anh Dũng, lúc mất, ông Ngô Văn Lý để lại cho 5 người con trai của mình gần 100ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ và rừng trồng mà vợ chồng ông tạo dựng được. Tuy nhiên, cậu con trai thứ 4 Ngô Xuân Dũng không chịu làm ăn theo kiểu “quanh xóm”, anh bán ngôi nhà bố mẹ mới mua cho, đưa vợ con về nhà ngoại gửi rồi vào Nam mở tầm mắt học hỏi cách làm ăn lớn. Lâm Đồng là mảnh đất anh dừng chân, mua 4 sào đất rẫy trồng tiêu, sau đó bán đi kiếm lời, rồi mua mảnh khác, vốn đất cứ thế tăng dần lên 2ha, 4ha... Mục đích cốt yếu của Dũng “nằm vùng” để nghiên cứu chất đất, trồng thử nghiệm cây gỗ huỵnh và môi giới, tìm mối lái... ở xứ người để bán giống cây gỗ huỵnh.

Hiểu được cung cách làm ăn của con người - chất đất phương Nam, Dũng quyết định bán hết đất rẫy được 230 triệu đồng, trở về quê thực hiện ước mơ làm giàu từ khoảnh rừng gần 30ha mà cha anh chia cho. Ngoài việc ươm giống huỵnh để bán cho những đối tác mà anh đã kết nối được ở phương Nam, Dũng tiến hành cải tạo những vùng đất rừng nghèo kiệt để trồng cây huỵnh. Ngoài ra, Dũng dành một phần đất để trồng cao su và hồ tiêu theo mô hình trang trại vườn – rừng. Thế nhưng, thiên tai vẫn luôn là nỗi ám ảnh nhất của người nông dân.

Năm 2013 khi vườn cao su của Dũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch thì cơn bão số 10 với sức gió trên cấp 12 đã quét qua, quật đổ một phần lớn cơ nghiệp của vợ chồng anh. Để có tiền chăm sóc rừng, vực dậy trang trại, một lần nữa  Dũng cắn răng bán đi căn nhà 2 tầng mà bao năm vợ chồng anh vất vả mới xây được…

Muốn thành tỷ phú… lúc nào cũng được!

Thực ra, khi anh Dũng bán nhà, không phải vợ chồng anh đã quá cùng quẫn. Ở thời điểm đó vợ chồng anh Dũng có một khối tài sản khổng lồ mà theo anh Dũng nếu bán nó thì ngay lập tức vợ chồng anh sẽ trở thành tỷ phú, đó là cánh rừng gỗ huỵnh rộng hàng chục ha với hàng ngàn cây gỗ lớn có đường kính trên 50cm, cao trên 20m. Những người thợ chuyên nghề đóng tàu biển ở xã Đức Trạch (Bố Trạch) cho biết, hiện tại nghề đóng tàu cá vỏ gỗ đang rất khan hiếm gỗ, có tiền chưa chắc đã kiếm được gỗ huỵnh đẹp để đóng tàu. Nếu gỗ huỵnh dài trên 12m về đến xưởng có giá gần 15 triệu đồng/m3. Với những cây huỵnh ở cánh rừng của anh Dũng hiện tại, tính mức thấp nhất cũng đạt gần 1m3 gỗ. Và với hàng ngàn cây gỗ như thế nhân với giá gỗ 15 triệu đồng thì số tiền phải lên đến hàng trăm tỷ đồng, một kết quả như trong mơ.

“Cánh rừng đó không đơn thuần chỉ là tài sản, nó là tâm huyết cả cuộc đời của cha tôi trước đây và bây giờ là của tôi. Sinh thời cha đã nói với tôi rằng, việc ông trồng rừng không đơn thuần chỉ là mưu sinh cuộc sống mà ông còn muốn để lại cho đời sau một cánh rừng tự nhiên như vốn có…” – anh Dũng chia sẻ.

Nhưng kể cả khi không tính đến khối tài sản “vô giá” từ rừng huỵnh, thì hiện tại mỗi năm gia đình anh Dũng cũng đã có nguồn thu khoảng 600 triệu đồng. Đó là nguồn thu từ tiền bán giống cây huỵnh, từ bán tiêu và mủ cao su.  

Mỏi nhừ chân theo anh Dũng tham quan, hóng chuyện khắp trang trại và cánh rừng huỵnh, chúng tôi trở về căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi của vợ chồng Dũng mới xây lại cạnh đường Hồ Chí Minh. Anh Dũng cho biết, mấy năm qua nguồn thu của trang trại đã giúp anh dựng lại được căn nhà này và nuôi đứa con trai đang du học ở Singapore. Chưa đầy 50 tuổi, có trong tay vốn rừng cả trăm tỷ đồng nhưng anh Dũng vẫn chân chất, hồn hậu như bản chất của một người nông dân. Đặc biệt, gặp và trò chuyện với anh chúng tôi như được gặp lại hình ảnh ông Ngô Văn Lý, một người nông dân có tài ngang với tiến sĩ và yêu rừng đến mê hoặc.