Dân Việt

Cổ phiếu nông nghiệp: Nhà đầu tư tháo chạy khỏi bộ đôi cổ phiếu Bầu Đức

Ngân Nguyễn 29/03/2017 19:45 GMT+7
Bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG của Bầu Đức chịu áp lực bán ra mạnh, giảm điểm sâu sau chuỗi phiên tăng nóng trong thời gian qua. HNG chốt phiên giá sàn với hơn 5 triệu cổ phiếu được giao dịch, HAG cũng giảm 4,7% khớp trên 15 triệu cổ phiếu.

Ngày 29.3, thị trường diễn biến khá tích cực về cuối phiên giao dịch nhờ lực mua vào ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Cả hai chỉ số trùng xuống vào cuối phiên sáng nhưng đã nhanh chóng lấy lại sắc xanh trong phiên giao dịch chiều. Chỉ số VN-Index tăng 1,21 điểm (0,17%) lên 720,47 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,12 diểm (0,14%) lên 90,67 điểm.

Cụ thể, VNM, MSN, SAB, VIC, GAS, BVH, VJC đồng loạt tăng nhẹ, trong khi ROS, BHN và nhiều cổ phiếu ngân hàng bao gồm VCB, CTG, MBB, EIB đóng cửa trong sắc đỏ. VN-Index vượt trở lại ngưỡng 720 điểm, đóng cửa ở mốc 720,47 điểm (+0,17%), HNX-Index chốt tại 90,67 điểm (+0,14%).

Khối ngoại trên thị trường vẫn duy trì được giao dịch tích cực khi mua vào hơn 8,7 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 479 tỷ đồng, trong khi bán ra 8,6 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 312 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 134.703 cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt hơn 166,9 tỷ đồng.

img

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng hơn 168,8 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với phiên trước, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 437.338 cổ phiếu. Như vậy, khối ngoại trên HOSE đã có 8 phiên mua ròng liên tiếp, với tổng giá trị đạt hơn 1.334 tỷ đồng.

VNM tăng 1.000 đồng lên 141.800 đồng/CP và tiếp tục là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, đạt hơn 74 tỷ đồng. Tiếp đến HPG và VJC được mua ròng lần lượt 64,2 tỷ đồng và 35 tỷ đồng. Khép phiên giao dịch, HPG tăng 450 đồng lên 43.400 đồng/CP, còn VJC tăng 800 đồng lên 131.700 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, VCB giảm 100 đồng xuống 37.300 đồng/CP và bị bán ròng mạnh nhất, đạt hơn 26,8 tỷ đồng. Các mã PVD, NLG và BVH đều bị bán ròng hơn 8 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, sau 6 phiên mua ròng liên tiếp, khối ngoại đã bán ròng trở lại gần 2 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 302.635 cổ phiếu.

Khối ngoại trên HNX mua ròng tập trung hai mã VGC và VND, đạt lần lượt 1,1 tỷ đồng và 1 tỷ đồng. Trong khi đó, họ cũng chỉ bán ròng mạnh hai mã PVS và SHB, đạt 2,8 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng.

Riêng nhóm cổ phiếu nông nghiệp, bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG của Bầu Đức chịu áp lực bán ra mạnh, giảm điểm sâu sau chuỗi phiên tăng nóng trong thời gian qua. HNG chốt phiên giá sàn với hơn 5 triệu cổ phiếu được giao dịch, HAG cũng giảm 4,7% khớp trên 15 triệu cổ phiếu.

img

PE nhóm ngành nông nghiệp

Tại nhóm phân bón, trong khi cổ phiếu BFC tăng 0,7% thì DPM, DCM giảm tương ứng 0,2%, 0,9%. DPR, TRC ở nhóm cao su cũng có phiên giao dịch tích cực tăng tương ứng 0,8% và 0,7%.

Về thông tin ngành, trong quý I.2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản mang về cho Việt Nam 7,6 tỉ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hai mặt hàng cà phê và cao su tăng mạnh nhất.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 3 năm 2017 ước đạt 65 nghìn tấn với giá trị đạt 138 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 249 nghìn tấn và 510 triệu USD, tăng 1,9% về khối lượng và tăng 90,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá cao su xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2017 đạt 2.023 USD/tấn, tăng 80,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hàn Quốc, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 67,3%, 4,1% và 4%. Giá trị xuất khẩu cao su sang 3 thị trường này tăng lần lượt là: gấp gần 3 lần, gấp 2,7 lần và 75,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Ở chiều ngược lại, khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 3/2017 ước đạt 32 nghìn tấn với giá trị đạt 71 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu cao su 3 tháng đầu năm 2017 lên 112 nghìn tấn và 236 triệu USD, tăng 21,2% về khối lượng và tăng 75,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong tháng 1 năm 2017 là Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản và Thái Lan, chiếm 60,6% thị phần. Trong 2 tháng đầu năm 2017, giá trị cao su ở tất cả các thị trường nhập khẩu đều tăng. Trong đó, thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Indonesia (tăng gần 5 lần). 

imgimgimg