Dân Việt

Hạ lãi suất lúc này không quá sớm

14/09/2011 05:54 GMT+7
(Dân Việt) - Phóng viên Báo NTNN trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Trọng Nhi về sự “lan tỏa” của động thái hạ lãi suất đối với lạm phát.

Trước những động thái về hạ lãi suất cả cho vay và lãi suất huy động thỏa thuận của các ngân hàng (NH), những ngày gần đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng không nên hạ lãi suất quá sớm. Ông có đồng tình với quan điểm đó?

- Vấn đề được đặt ra ở đây là tính “thời điểm”, đúng hoặc sai, sớm hoặc trễ.

img
Khách hàng theo dõi biểu lãi suất tại Chi nhánh VPBank Hà Nội.

Theo tôi hiểu, phía sau vấn đề “thời điểm” này phải có một kho (vài kho) dữ liệu định lượng có chất lượng hỗ trợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, tôi vẫn còn những hoài nghi về mức độ chuẩn xác của kho dữ liệu này bởi vì “cơn bệnh” lạm phát kéo dài gần 4 năm liên tục và chưa kiềm chế được cũng có một phần nguyên nhân từ kho dữ liệu này và cách xử lý số liệu của nó.

img
Ông Lê Trọng Nhi

Với một giả định tích cực, nếu như Chính phủ và NHNN đã tìm ra và nhận thấy cái lõi của vấn đề lạm phát, tôi mạnh dạn cho rằng không quá sớm với giải pháp hạ lãi suất tại thời điểm này.

Các lý thuyết về kinh tế đều dạy rằng giảm được lạm phát mới là vấn đề cơ bản để giúp hạ lãi suất, chứ không phải ngược lại như cách chúng ta đang giải quyết. Ông có cho rằng lạm phát sẽ khó giảm khi mà thời điểm này “ép” hạ lãi suất không?

- Tôi không và chưa đồng ý với một số biện pháp hành chính và công cụ tiền tệ của Chính phủ và NHNN đã áp dụng, nhưng thiếu chế tài mạnh, trong thời gian 2 năm trở lại đây và đã không kiềm giữ được “con ngựa chứng” lạm phát như đã tạm kiềm giữ được vào năm 2009.

Nhưng như đã nêu vài ý về kho dữ liệu chuẩn xác, tôi nghĩ Chính phủ và NHNN đang bắt đầu nhận thấy những yếu kém và nhầm lẫn (sai lầm) trong điều hành thời gian trước đây. Tôi không quá lo ngại về việc hạ lãi suất so với mức lạm phát nhưng điều tôi thường thất vọng và rất lo ngại đó là tính kỷ cương và chế tài phía sau chính sách. Vì vậy, ý kiến đang làm ngược (ép) lãi suất sẽ làm khó cho việc kiềm chế và giảm lạm phát.

Ông có thể dự đoán việc “ép” các ngân hàng hạ lãi suất mà “không theo thị trường” như vậy liệu sẽ gây ảnh hưởng, xáo trộn gì đến hệ thống ngân hàng?

- Không. Nếu có thì chỉ rơi vào những ngân hàng thật sự yếu kém (tự thân) và sẽ không có ảnh hưởng mang tính hệ thống. Vì vấn đề này không có nhiều khả năng tiềm ẩn để làm nảy sinh một hoặc một chuỗi xáo trộn (hay sụp đổ) cho hệ thống ngân hàng.

Thống đốc NHNN đã khẳng định với mức lãi suất 14% vẫn được coi là thực dương, người gửi tiền vẫn được lợi, ông có đồng ý như vậy không?

- Lãi suất 14% với lạm phát 20% tại thời điểm hiện nay mà Thống đốc khẳng định thực dương nên được hiểu là so với mức lạm phát tại thời điểm 12, 18 hoặc 24 tháng sau này sẽ có thể là 8%, 10% hoặc 12%... Thống đốc đã khẳng định như vậy thì chắc rằng ông đã tin vào kho dữ liệu đang được làm mới và có chất lượng cao của riêng NHNN hoặc và được tổng hợp từ những kho dữ liệu đáng tin cậy khác mà trước đây chưa có trong kế hoạch chống lạm phát. Tôi mong và hy vọng như thế.

Xin cảm ơn ông!