Dân Việt

Chuyện khó nói nhất giữa Tập Cận Bình và Trump

Phương Đăng 01/04/2017 15:38 GMT+7
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi Mỹ để gặp Tổng thống Donald Trump trong 2 ngày 6-7.4, cả 2 nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ thảo luận về các mối đe dọa từ Triều Tiên. Tuy nhiên, đây được cho là vấn đề khó có thể dẫn tới những quyết định chung được ủng hộ bởi cả ông Trump lẫn ông Tập.

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp mặt trực tiếp trong 2 ngày 6-7.4 tới.

"Nếu trước hết không phải là Triều Tiên thì đó là một sai lầm", Derek Scissors, một học giả thuộc Viện Doanh nghiệp kiêm chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, trên thực tế, mối đe dọa từ Triều Tiên là một trong số ít các chủ đề mà Bắc Kinh và Washington đều bận tâm. 

Theo ông Scissors, chính quyền Trump hiện chưa thực sự sẵn sàng để thảo luận với Trung Quốc về rất nhiều vấn đề. Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn còn bất đồng chính kiến về các vấn đề thương mại, tiền tệ, đầu tư nước ngoài và các vấn đề kinh tế khác. 

Ông Trump cũng như Nhà Trắng trong những tuần gần đây đã kiềm chế sử dụng những lời lẽ căng thẳng, khó nghe đối với Trung Quốc so với trong thời điểm tranh cử cũng như sau khi đã thắng cử.

Thay vào đó, chính quyền Trump đặt Triều Tiên trở thành ưu tiên hàng đầu về chính sách đối ngoại khi Bộ trưởng Quốc phòng Jim Matttis đã chọn Hàn Quốc là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong cương vị này. Bản thân Tổng thống Trump và chính quyền của ông đều tin rằng, chỉ có Trung Quốc mới có thể tác động đến Triều Tiên nhưng Bắc Kinh vẫn chưa làm hết sức của mình.

Là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc được cho là có ảnh hưởng lớn đến nước này. Bắc Kinh đã ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên vào tháng 2 sau vụ án ông Kim Jong Nam bị giết hại cũng như việc Triều Tiên thử tên lửa bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, việc thảo luận về Triều Tiên đều xuất phát từ lợi ích của cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

 img

Triều Tiên được cho là vấn đề khó nói nhất giữa ông Trump và ông Tập.

Thời gian gần đây, chế độ Bình Nhưỡng mạnh mẽ cảnh báo các đồng minh của Mỹ cũng như chính quyền Trump bằng cách tăng cường các cuộc thử nghiệm tên lửa có khả năng vươn tới miền Đông Bắc của Trung Quốc.  

"Chắc chắn chính quyền Trump sẽ gây áp lực (với Trung Quốc) để ngừng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên và kiềm chế nước này. Tuy nhiên, về phía Trung Quốc, họ thực tế không có nhiều ảnh hưởng đối với Triều Tiên", ông Bruce Bennett, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Rand Corp bình luận. 

Cả 2 siêu cường được cho là đều chia sẻ mối bận tâm chung về vấn đề Triều Tiên nhưng khó đi đến những quyết định chung vì họ có các mục đích khác nhau.

Bắc Kinh muốn duy trì hiện trạng chế độ Bình Nhưỡng, tránh kịch bản Triều Tiên sụp đổ có thể gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn khủng khiếp tại biên giới nước này hoặc nguy cơ bán đảo Triều Tiên thống nhất, hướng về phía Mỹ.

Ngược lại, Mỹ phản đối duy trì tình hình hiện tại khi Triều Tiên không ngừng phát triển công nghệ tên lửa và vũ khí hạt nhân.

"Chính sách kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc. Triều Tiên phải hiểu rằng con đường duy nhất để nước này phát triển an toàn, có nền kinh tế thịnh vượng trong tương lai là từ bỏ sự phát triển của vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi tháng này.

Bình luận về việc liệu Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được tiếng nói chung về vấn đề Triều Tiên hay không, ông Charles Freeman, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Bower Group Asia và cựu trợ lý đại diện thương mại của Mỹ về các vấn đề Trung Quốc cho biết: "Kết quả tốt nhất là Mỹ và Trung Quốc có một chính sách rõ ràng liên quan đến cách đối phó với  Triều Tiên. Tôi không biết chắc điều đó là khả thi hay có thể xảy ra không. Nhưng tôi e rằng, chúng tôi - Trung Quốc và Mỹ - vẫn đang ở giai đoạn thảo luận về Triều Tiên".