Những năm tôm sú lên ngôi (2003-2006), trên 1.000ha đìa nuôi tôm tập trung khu vực xã Ninh Lộc, Ninh Ích (huyện Ninh Hòa). Nhưng chỉ 2 năm dịch bệnh, tôm chết hàng loạt.Ông Phan Văn Lượm - Trưởng thôn Tam Ích (xã Ninh Lộc), cho biết: Những năm ao đìa phải “phơi đáy”, người dân Tam Ích đói lắm. Những gì mua sắm được từ nuôi tôm sú lần lượt đội nón ra đi. Con TTCT dù chưa được chính thức cho phép nuôi, nhưng người dân mạnh dạn nuôi thử, thế mà “ăn được”, có tiền trả nợ.
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Lộc cho biết thêm: Hai năm trở lại đây, hầu hết người nuôi trên địa bàn xã đều thả TTCT vì lực hút của lợi nhuận. Có thể nói, TTCT đã làm sống lại hàng trăm ha ao đìa nuôi tôm bị bỏ hoang nhiều năm.
Vốn là một kỹ sư nuôi trồng thủy sản, từng tu nghiệp ở Ấn Độ về sản xuất tôm giống, ông Huỳnh Trang có một đam mê không kể hết với nghề nuôi tôm từ những năm 90. Nay đã ngấp nghé tuổi 60, đầu đã bạc nhưng ông vẫn “lăn lộn” với 5ha đìa nuôi TTCT ở Ninh Lộc (Ninh Hòa), hàng năm thu về nửa tỷ đồng.
Ông Trang chia sẻ: Chính quyền và cơ quan quản lý dù chưa chính thức cho phép, nhưng việc họ “làm thinh” cho dân nuôi TTCT, theo tôi là hợp lý. Đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung, nơi có độ mặn cao, tôm sú chậm lớn hơn ở một số tỉnh ĐBSCL hay đầm phá Thừa Thiên - Huế. Hơn nữa, tôm sú ở đây đã không thể nuôi nổi do môi trường đã bị ô nhiễm nặng, con giống bản địa bị thoái hóa, dịch bệnh ngay từ con giống…
“Lựa chọn nuôi TTCT để thu lợi nhuận tốt hơn là để hoang hóa hàng nghìn hecta ao đìa” – ông Trang nói.
Mai Khuê