Dân Việt

Bộ NNPTNT: 2 trang trại của Vinamilk và TH true MILK là hữu cơ

Nguyễn Lê 04/04/2017 11:55 GMT+7
Sáng nay 4.4, tại cuộc hội nghị "Bàn về giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ", Bộ NNPTNT đã chính thức thông báo, 2 trang trại của 2 doanh nghiệp Vinamilk và TH true MILK đã đạt tiêu chí hữu cơ theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế.

img

Các sản phẩm rau sạch FVF và sản phẩm dược liệu sạch TH Herbals của Tập đoàn TH đạt tiêu chuẩn hữu cơ Orgnic. Ảnh: Nguyễn Lê

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: "Hiện trong nước có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn đatk tiêu chí hữu cơ theo các tiêu chuẩn quốc tế là: Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk với trang trại ban đầu tại tỉnh Lâm Đồng có tổng đàn 500 con bò sữa hữu cơ nhập từ Hoa Kỳ và Trang trại bò sữa hữu cơ của TH true Milk với tổng đàn bò sữa hữu cơ là 1.000 con, dự kiến đến năm 2018 là 3.000 con tại tỉnh Nghệ An. Các đơn vị này có thể đưa các sản phẩm ra thị trường gắn nhãn hữu cơ là dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế, chứ Việt Nam chưa có đơn vị nào cấp chứng nhận hữu cơ cho bất cứ sản phẩm nào”.

Ngoài ra, cũng theo ông Nam, hiện có khoảng 30/63 tỉnh thành đã triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ có sản phẩm đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và xuất khẩu thành công sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc như: Công ty Viễn Phú sản xuất lúa gạo hữu cơ 220 ha, 2 vụ/năm, rau hữu cơ 50 ha/năm; Công ty Organic Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ; Công ty Ecolink và công ty Hùng Cường xây dựng hệ thống công nhận quốc tế (ICS) dựa trên mạng lưới sản xuất nông hộ chè hữu cơ giống shan tuyết tại Bản Liền tỉnh Lào Cai (374ha); Hà Giang (645ha)…

img

Doanh nghiệp Bảo Châu mang sản phẩm hữu cơ đến hội nghị. Ảnh: Nguyễn Lê

Ông Nam cũng cho biết: "Trong nước có 2 mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ là mô hình là doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản) để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước. Các nhóm hộ nông dân chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa". 

Lý giải về vấn đề chưa có tiêu chuẩn Việt Nam cho sản phẩm hữu cơ, ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đo lường quản lý chất lượng, Bộ KHCN cho biết, Bộ đã ban hành TCVN11041:2015 - Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, chuyển đổi từ tiêu chuẩn CODEX CAC/GL 32-1999, sửa đổi  năm 2013.

img

Một sản phẩm được quảng cáo là rau hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Lê

“Chúng ta đã có Tiêu chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn hữu cơ, nhưng quá trình phổ biến tiêu chuẩn này vẫn còn hạn chế. Nội dung tiêu chuẩn này, ngôn ngữ còn quá khoa học. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp Bộ NNPTNT đưa ra các tiêu chí và hướng dẫn tiêu chuẩn thực hành hữu cơ. Phát triển hệ thống chứng nhận quốc gia, minh bạch, không để mỗi người một phách như hiện nay” – ông Hải cho hay.