Mở đầu phiên giao dịch sáng 3.4, cổ phiếu VJC của Hãng Hàng không Vietjet Air có thời điểm tăng lên mức giá 129.500 đồng/CP (tăng 1.400 đồng/CP so với phiên trước) ngay sau khi có thông tin lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán của hãng tăng thêm 206 tỷ đồng.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán Quốc tế KPMG cho thấy, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 của VJC đạt lần lượt 27.499 tỷ đồng và 2.496 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 39% và 113% so với năm 2015. Lợi nhuận sau kiểm toán năm 2016 tăng thêm 206 tỷ đồng do chi phí giá vốn hàng bán được điều chỉnh giảm mạnh tới 435 tỷ đồng.
Đặc biệt, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 9.586 đồng, nằm trong top dẫn đầu về chỉ số này trong các doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất 2 sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, ngay sau đó, thị giá cổ phiếu VJC bắt đầu quay đầu giảm mạnh do một loạt các thông tin về đề xuất áp dụng giá sàn dịch vụ hàng không của Hãng hàng không Jetstar Pacific, đồng thời đề xuất này cũng được Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) ủng hộ.
Cả 2 hãng hàng không Jetstar Pacific và Vietnam Airlines đều đang đề xuất phải áp giá sàn vé máy bay. (Ảnh: P.V)
Những thông tin này khiến thị giá cổ phiếu VJC quay đầu từ mức giá 129.500 đồng/CP xuống chỉ còn 125.800 đồng/CP (giảm 3.700 đồng/CP) về cuối phiên chiều.
Vì sao khi Cục Hàng không Việt Nam đã lên tiếng về việc áp dụng giá sàn dịch vụ hàng không chưa phải là quyết định của Cục nhưng nhà đầu tư lại “tháo chạy” khỏi VJC?
Thực tế, tới thời điểm hiện tại thì cả 2 hãng hàng không Jetstar Pacific và Vietnam Airlines đều đang đề xuất phải áp giá sàn vé máy bay. Cụ thể, phía Vietnam Airlines từ ngày 23.3 đã gửi văn bản cho Bộ GTVT nhằm đóng góp ý kiến dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không cơ bản trên các đường bay nội địa.
Theo đó, bên cạnh việc tán đồng với mức giá trần của Bộ GTVT, Vietnam Airlines còn đề xuất áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa.
Nếu quyết định này được thông qua, Vietnam Airlines có thể sẽ tăng giá vé 5% so với hiện tại và áp dụng giá sàn 1.540.000 đồng/vé, ước tính doanh thu của hãng hàng không này sẽ tăng thêm khoảng 2.500 tỷ đồng sau 1 năm thực hiện.
Về phía Jetstar Pacific, hãng này cũng đưa ra 5 lý do để đề xuất với Bộ GTVT việc áp dụng giá sàn cho vé máy bay hạng phổ thông.
Dĩ nhiên, khi cả 2 hãng hàng không này đều kiến nghị áp dụng giá sàn thì nhiều khả năng kiến nghị này có thể được thông qua. Nên nhớ, cơ cấu cổ đông của Vietnam Airlines hiện nay vẫn rất cô đặc với 86,16% vốn do Bộ GTVT nắm giữ. Nếu những lập luận mà 2 hãng hàng không này đưa ra nếu không... “trái luật” thì khả năng đề xuất này được thông qua là khá lớn.
Về phía Vietjet Air, dù hãng hàng không này cũng đưa ra khá nhiều lập luận phản bác đề xuất của 2 hãng hàng không trên. Tuy nhiên, với giới đầu tư chứng khoán thì khả năng phản bác đề xuất này của Vietjet Air sẽ khá khó khăn.
Một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, về pháp lý, việc có khung giá, giá sàn, giá trần cho vé máy bay là không trái pháp luật. Việc Nhà nước giữ quyền can thiệp bằng khung giá là cần thiết để bảo đảm cho doanh nghiệp trong ngành tồn tại được, tránh tình trạng hãng lớn ra giá “hủy diệt” để loại bỏ đối thủ.
Tuy nhiên, ở câu chuyện cạnh tranh giữa các hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air hiện nay thì cần xem xét đề xuất mà các hãng đề ra có hợp lý hay không, từ đó định ra một mức sàn hợp lý, vừa bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng, vừa mang tính thúc đẩy cạnh tranh mà không gây “hủy diệt” bất cứ hãng hàng không nào...
Tranh luận tới thời điểm hiện tại vẫn chưa ngã ngũ, song nếu mức giá sàn được thông qua thì chắc chắn phía Vietjet Air sẽ gặp khó khăn bởi đây là hãng hàng không tư nhân duy nhất tại Việt Nam đang cạnh tranh chiếm thị phần hàng không bằng chính sách bay giá rẻ.
Phía Vietjet Air đưa ra lập luận, hiện số hành khách nội địa của các hãng hàng không hiện nay vào khoảng 10 triệu lượt/năm, trong khi dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người. Như vậy, vẫn còn hơn 80 triệu dân Việt Nam (90% dân số) chưa thể tiếp cận với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu là do giá vé máy bay còn cao so với thu nhập của họ. Việc quy định giá sàn trên các đường bay nội địa đồng nghĩa với việc triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ của các hãng hàng không trên các đường bay này, điều đó cũng có nghĩa là hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện hàng không của hơn 80 triệu dân Việt Nam... |