Tín dụng nông nghiệp chiếm gần 50%
NHNN nhận định, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của Việt Nam. Đây cũng là vùng trọng điểm phát triển của nhiều cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su... và vùng sản xuất rau, hoa quả công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; có tiềm năng lớn về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, thủy lợi, khai thác chế biến khoáng sản và phát triển năng lượng tái tạo.
Các TCTD cam kết đảm bảo vốn cho khu vực Tây Nguyên. Ảnh: P.L
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, từ năm 2011 đến nay, NHNN đã cho phép thành lập mới 30 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD), 8 phòng giao dịch và 7 Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, qua đó đáp ứng kịp thời nguồn vốn, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân.
Hiện tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn Tây Nguyên khoảng 120,6 nghìn tỷ đồng, trong khi đó dư nợ tín dụng gần gấp đôi, trên 222 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 49,3%; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng 12,3%.
Các chương trình tín dụng đặc thù, ưu đãi và các chính sách liên quan tới công tác an sinh xã hội của ngành ngân hàng được tích cực triển khai đã góp phần giúp hơn 104 nghìn hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo.
Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế của vùng Tây Nguyên như: Vấn đề quy hoạch, chiến lược phát huy thế mạnh của vùng còn thiếu tính ổn định, chưa bền vững; quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng còn nhiều bất cập; tính liên kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, giữa doanh nghiệp và người sản xuất; giữa các địa phương trong vùng với các vùng kinh tế khác còn yếu, chưa tạo được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp...; sản xuất công nghiệp chậm phát triển, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ bé; hệ thống cung cấp hàng hóa còn yếu và thiếu…
Đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho Tây Nguyên
Phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao NHNN nghiên cứu, xem xét nâng mức cho vay và khuyến khích hình thức vay tín chấp, nhất là với hộ nông dân, đồng bào dân tộc; có nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp như cấp bù lãi suất...
NHNN cũng cho biết, các TCTD cam kết tài trợ hơn 29.000 tỷ đồng, đối với 36 dự án phát triển kinh tế, xã hội của Tây Nguyên. Sau hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 2 và thứ 3 của Tây Nguyên được tổ chức năm 2015 - 2016, các TCTD đã bố trí đủ nguồn vốn và đẩy mạnh giải ngân cho các dự án được cam kết tài trợ. Đến nay đã có 36 dự án được giải ngân với số vốn giải ngân đạt hơn 13.000 tỷ đồng cam kết, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có thế mạnh của vùng như: Cà phê, cao su, giao thông, thủy điện.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng GRDP của vùng đạt 7,19%/năm, bằng 4,92 lần tốc độ tăng dân số. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 5,91%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,19%, khu vực dịch vụ tăng 7,27%. Đặc biệt giai đoạn này ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn đầu tư vào Tây Nguyên, đạt 265,7 nghìn tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006 – 2010. |