Nhưng xem ra cũng chỉ mới được đến như vậy. Để có được mức độ hài hoà và tin cậy như hiện đã có giữa Nga và nhiều thành viên EU hay NATO khác thì cả hai nước còn phải cùng nhau đi thêm chặng đường xa nữa; đồng thời cũng lại có thể thấy phía Anh chủ động hoà giải hơn nhiều so với Nga.
Lý do có lẽ ở chỗ Nga có nhiều sự lựa chọn đối tác để hợp tác ở châu Âu và quan hệ giữa Nga với Mỹ đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây. Về mọi phương diện, nhu cầu cải thiện quan hệ với Anh không cấp thiết đối với Nga như ngược lại.
Chẳng hạn như Nga đã loại bỏ doanh nghiệp Anh để chọn doanh nghiệp Mỹ hợp tác về năng lượng. Không có sự hậu thuẫn của Nga, Anh nói riêng và cả phương Tây nói chung không thể có được nghị quyết của HĐBA LHQ theo ý mình về Syria.
Cái đặc biệt ở sự hoà giải hiện tại giữa Nga và Anh là không phải giải quyết các vấn đề bất đồng tồn tại lâu nay để hoà giải, mà hoà giải để có thể giải quyết được các vấn đề đó vào thời điểm nào đó trong tương lai. Ông Cameron không muốn để nước Anh tiếp tục bị tụt hậu so với các nước thành viên EU và NATO khác trong quan hệ với Nga.
Còn Nga cũng không muốn để quan hệ với Anh xấu đi thêm mà vẫn không phải nhượng bộ gì với Anh. Vì thế, kết quả mà ông Cameron đạt được trong chuyến thăm này tuy không to tát gì, nhưng vẫn có ý nghĩa và tác động rất tích cực.
Huệ Như