Cả thế giới đang đợi xem cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần này.
Nói cách khác, theo National Interest, điều gây tò mò nhất là chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc. Bởi cho đến nay, chính sách Trung Quốc của ông Trump đang được cho là vẫn còn lộn xộn và khó hiểu.
Đầu tiên, ông Trump được cho là sẽ thực thi chính sách cứng rắn với Trung Quốc khi nhiều lần chỉ trích nước này trong hàng loạt vấn đề khác nhau từ thương mại tự do tới Triều Tiên. Thậm chí ông Trump còn từng đòi xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc" đồng thời chọc giận giới lãnh đạo Bắc Kinh khi đàm thoại với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn...
Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn tuyên bố rằng, Mỹ có thể thực thi chiến lược phong tỏa - vốn được xem là hành động kích động chiến tranh - để ngăn Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, khi nhiều người tin chắc rằng, chính quyền Trump sẽ theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn và khiêu khích đối với Trung Quốc thì mọi thứ lại bất ngờ đảo chiều. Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi tháng 3, Ngoại trưởng Tillerson khiến công chúng bất ngờ khi dịu giọng với Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, Tillerson kêu gọi 2 nước xây đắp quan hệ song phương dựa trên nguyên tắc "không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi".
Theo National Interest, cụm từ "tôn trọng lẫn nhau" mà Ngoại trưởng Tillerson sử dụng dường như mang hàm ý sâu sắc và nhìn chung được Trung Quốc cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiểu rằng, Mỹ sẽ thích nghi với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và sẽ không can thiệp vào các vấn đề nhạy cảm, gây hại cho mối quan hệ với Trung Quốc chẳng như vấn đề Đài Loan.
Từ những tuyên bố của ông Tillerson, nhiều người cho rằng, đây có thể là tín hiệu cho sự rút lui của Mỹ tại châu Á (điều mà truyền thông Trung Quốc đã công nhận). Song cũng có người đặt câu hỏi, liệu có phải chính quyền Trump đang áp dụng kế "vừa đấm vừa xoa" đối với Trung Quốc hay không? Câu trả lời nhiều khả năng sẽ được tiết lộ trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Tập cuối tuần này.
Nếu tân Tổng thống Mỹ đảo ngược lại những tuyên bố của ông Tillerson khi ở Bắc Kinh thì chứng tỏ, ông vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Còn nếu ông thay đổi chính sách Trung Quốc thì có nghĩa là Trump quyết định theo đuổi chiến lược mềm mỏng hơn với cường quốc châu Á sau nhiều tháng căng thẳng. Một số nhà phân tích bình luận, những tuyên bố mềm mại của ông Tillerson ở Bắc Kinh trên thực tế có thể là bước đệm đầu tiên để ông Trump "mặc cả" với ông Tập trong cuộc gặp mặt trực tiếp vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, cũng có một khả năng xấu nhất lý giải cho cách tiếp cận mâu thuẫn, khó hiểu đối với Trung Quốc của chính quyền Trump thời gian qua là họ thực sự chưa hoạch định được chính sách Trung Quốc sau gần 3 tháng nhậm chức. Điều này có thể hiểu được do nội các của Trump đã không có đủ nhân sự và thậm chí họ còn chia rẽ với nhau. Một số quan chức như Gary Cohn, Steven Mnuchin và Jared Kushner ủng hộ một chính sách hợp tác với Trung Quốc trong khi các ông như Stephen Bannon, Peter Navarro và Wilbur Ross lại ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn.