Gỡ chiếc khẩu trang ra khỏi mặt, chị Lương Thị Thịnh, 48 tuổi (thôn Xuân Phúc, xã Ninh Vân) tâm sự: "Tôi làm nghề này đã lâu nhưng làm theo kiểu "trăm hay không bằng tay quen".
Từ khi tham gia lớp dạy nghề chế tác đá mỹ nghệ, tôi mới thực sự vọc vạch biết nghề, làm việc an toàn, hiệu quả hơn". Cùng quan điểm với chị Thịnh, chị Phạm Thị Hằng, 32 tuổi (thôn Xuân Phúc, xã Ninh Vân) nói:
"Học nghề không những giúp chúng tôi nâng cao tay nghề, nâng cao thu nhập, mà qua những sản phẩm đá chúng tôi biết thêm về lịch sử và văn hóa của dân tộc. Ví dụ khi được học nghề, chúng tôi mới biết đâu là sen thật, đâu là sen giả, đâu là sen cạn, đâu là sen nước, biết những con rồng mình làm ra thuộc thời nào… điều này trước đây chúng tôi không hề biết".
Sản xuất đá mỹ nghệ ở Ninh Vân, Ninh Bình |
Ông Vũ Xuân Phong - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình cho biết:
"Sản phẩm của làng đá Ninh Vân đã có mặt ở hầu hết các tỉnh trên toàn quốc, từ cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc ở TP. Hồ Chí Minh, cụm tượng đài Nghĩa trang Trường Sơn, cụm tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước ở Quảng Trị, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng Bác Hồ ở Nghệ An, tượng Trần Hưng Đạo ở Chí Linh (Hải Dương), tượng đài Hoàng Văn Thụ ở Lạng Sơn, cụm tượng đài Pắc Bó ở Cao Bằng… Để phát triển làng nghề thì việc mở các lớp dạy nghề cho những người làm đá là điều hết sức quan trọng".
Thực tế, lao động đã được đào tạo ở Ninh Vân có thu nhập khá cao, từ 100.000-300.000 đồng/ngày (trong khi thợ làm đá chưa được đào tạo công chỉ từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày). Như vậy có thể thấy các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ rất coi trọng những thợ đã được đào tạo.
Nhu cầu học nghề là rất lớn, nhưng hiện nay những lớp dạy nghề làm đá mỹ nghệ đã mở trên địa bàn làng đá Ninh Vân rất ít ỏi. Bà Ninh Thị Tằm - Hiệu trưởng Trường Trung cấp tư thục mỹ thuật xây dựng cơ khí Thanh Bình cho biết:
"Năm 2010, trường được giao chỉ tiêu mở 3 lớp đào tạo nghề đá mỹ nghệ cho lao động làm đá ở Ninh Vân. Tuy nhiên, thợ làm đá ở Ninh Vân luôn dao động trong khoảng 500 người. Cả năm chỉ đào tạo được 75 người như vậy là quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của địa phương".
Công Trình