Dân Việt

Thận trọng với “dao hai lưỡi”

15/09/2011 06:14 GMT+7
(Dân Việt) - Giáo sư Mai Đình Yên đã trả lời phỏng vấn của NTNN về việc tại sao đưa tôm thẻ chân trắng vào danh sách “nguy cơ xâm hại”.

Vừa qua, Bộ TNMT đã quyết định đưa tôm thẻ chân trắng (TTCT) vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại (Thông tư 22), thế nhưng Bộ NNPTNT lại không đồng tình với quyết định này. Là một nhà khoa học, Giáo sư đánh giá, nhìn nhận thế nào về con tôm thẻ?

- Về mặt khoa học, cho đến giờ phút này, chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào ở nước ta đề cập đến việc TTCT không có hại đối với đa dạng sinh vật ở trong nước, mà mới chỉ có một số tài liệu, nghiên cứu nói TTCT gây bệnh Taura cho tôm sú – loài tôm bản địa.

img
Nông dân cần thận trọng khi mở rộng nuôi TTCT.

Vì vậy, người ta đòi hỏi nuôi TTCT phải hết sức chặt chẽ. Thứ nhất, những con này phải kiểm soát không có dịch bệnh để chúng không phát tán sang tôm sú, thứ hai không được lấy nước ngầm để pha loãng nước nuôi vì nước mặn sẽ xâm nhập vào.

img
Ông Mai Đình Yên

Và câu hỏi đặt ra là có thể kiểm soát được 2 khía cạnh đã nêu trên không? Việc tạo ra một loại giống TTCT sạch bệnh không dễ dàng, không ai dám chắc loài này không thể không có dịch bệnh. Vì vậy khuyến cáo mở rộng nuôi con tôm này là “dao hai lưỡi”, nuôi phải thận trọng.

Giáo sư là người trực tiếp tham gia Hội đồng Tư vấn khoa học do Bộ TNMT thành lập để tư vấn, thẩm định danh mục loài ngoại lai xâm hại. Về mặt chủ trương chính sách, ông có suy nghĩ gì về Thông tư 22 của Bộ TNMT?

- Thực ra việc đưa TTCT vào Thông tư 22 có thiệt hại gì không? Hoàn toàn chưa gây thiệt hại gì. Bộ TNMT chỉ đưa ra cảnh báo về nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh vật ở trong nước. Về vấn đề này giữa hai bộ có thể xảy ra sự hiểu nhầm nhau, chứ không phải bộ đúng, bộ sai, và có thể xảy ra những thiếu sót, điều này là chuyện rất bình thường.

Tôi nghĩ tốt nhất trước khi ban hành thông tư này, hai bộ nên ngồi lại với nhau bàn bạc kỹ lưỡng, thậm chí nếu thấy chưa rõ, cần tổ chức hội thảo, hội nghị thì tổ chức ngay rồi mời các nhà khoa học có hiểu biết về vấn đề trên, có nghiên cứu kỹ về vấn đề trên đến để trao đổi. Sau khi đi đến thống nhất chắc chắn thì hãy công bố.

Thông tư 22 có cho biết, một trong những tiêu chí đưa TTCT vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại là “đã được ghi nhận xâm hại ở nhiều nước có điều kiện sinh thái tương đồng với Việt Nam”, ông có thể nói rõ hơn về khía cạnh này?

- Theo như tôi được biết, năm 1993, TTCT được ghi nhận đã xâm hại ở Trung Quốc khi đã làm chết hàng loạt loài tôm bản địa nước này do dịch bệnh.

Bộ NNPTNT cho rằng cần sản xuất và phát triển, còn Bộ TNMT có quan điểm phòng ngừa và bảo vệ môi trường. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, cả hai quan điểm đều có lý, vậy sự mâu thuẫn này nằm ở chỗ nào?

- Tôi nghĩ rằng khi cho phép đưa một loài ngoại lai vào trong lãnh thổ của Việt Nam dù bất cứ lý do gì, mục đích gì để chơi cảnh hay để sản xuất kinh doanh, trước đó cần làm một khâu vô cùng quan trọng là phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, phải nắm bắt thông tin đầy đủ nhất, mới nhất về loài đó. Sau khi đã hiểu rõ thì mới quyết định cho nhập hay không. Nếu cho nhập cần phải nuôi khảo nghiệm thận trọng và kiểm soát chặt chẽ.

Trên thế giới có bao nhiêu nước đưa TTCT vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, thưa Giáo sư?

- Có nhiều nước đã làm như vậy, tuy nhiên giờ hỏi tôi bao nhiêu nước và đó là những nước nào thì nhất thời tôi không thể nhớ hết.

TTCT đang là đối tượng hấp dẫn của ngành thủy sản Việt Nam, theo số liệu do ngành nông nghiệp công bố, trị giá xuất khẩu TTCT năm 2010 gần 410 triệu USD. Vậy theo Giáo sư, nên cân nhắc lợi ích kinh tế và môi trường như thế nào?

- Theo sự hiểu biết của tôi, tôi sẽ xử lý như sau: Khoanh chặt những nơi đang nuôi TTCT và rà soát xem chỗ nào nuôi ổn định bền vững thì để nuôi, chỗ nào bấp bênh không rõ ràng thì loại, công việc này là quy hoạch nuôi TTCT. Công việc này sẽ giúp “anh” đảm bảo được vùng nuôi để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Hai là phải hoàn thiện các văn bản về quy định quản lý các loài thủy sinh ngoại lai, trong đó có TTCT. Cấp kinh phí để nghiên cứu đầy đủ về con TTCT, nó tốt, xấu ra làm sao, nên nuôi ở đâu và không nên nuôi ở đâu, các hộ được nuôi phải đảm bảo quy trình nuôi chặt chẽ thế nào? Đào tạo cán bộ kỹ thuật chặt chẽ, hướng dẫn doanh nghiệp quy trình nuôi TTCT trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát sinh vật ngoại lai.

Xin cảm ơn ông!

Kỳ 4: Phải kiểm soát chặt