Nhiều chuyên gia tin rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể một mình xử lý Triều Tiên
Hôm nay, ông Trump và ông Tập sẽ lần đầu gặp mặt và trực tiếp hội đàm với nhau tại khu nghỉ dưỡng ở Florida. Triều Tiên được chắc chắn sẽ là vấn đề nghị sự của 2 nhà lãnh đạo.
Trước cuộc hội đàm, ông Trump đã hùng hồn tuyên bố rằng, "Nếu Trung Quốc không xử lý được Triều Tiên, Mỹ sẽ làm điiều đó". Khi được hỏi liệu Mỹ có thể một mình xử lý Triều Tiên hay không, ông Trump tự tin nhấn mạnh rằng: "Hoàn toàn có thể".
Triều Tiên đã phản ứng trước cuộc hội đàm Trung, Mỹ bằng việc bắn một tên lửa đạn đạo vào biển Nhật Bản sáng 5.4.
Động thái của Triều Tiên khiến Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phải bất lực thốt lên rằng: "Mỹ đã cạn lời với Triều Tiên. Chúng tôi không còn lời nào để nói thêm".
Trước đó, trong chuyến công du Đông Á hồi tháng trước, ông Tillerson đã đe dọa rằng, lựa chọn quân sự để đối phó với Triều Tiên vẫn "nằm trên bàn" khiến Bình Nhưỡng giận dữ phản pháo rằng nước này sẽ tiến hành "một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nếu Mỹ có dấu hiệu tấn công Triều Tiên trước".
Những leo thang trên khiến giới chuyên gia quan ngại về một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên. John Delury, chuyên gia về Đông Á tại Đại học Yonsei, Seoul bình luận rằng: "Cả 2 nước đang đùa với lửa. Cả 2 nước đều đe dọa sẽ phát hiện một cuộc tấn công phủ đầu. Chuyện này gần như là ngu ngốc bởi nó là mối đe dọa thực sự nếu ông Trump xem một cuộc tấn công bất ngờ là phần cố định trong chính sách Triều Tiên. Đặc biệt chuyển biến chính trị mới đây là tại Hàn Quốc khi ông Moon Jae-in, một cựu luật sư nhân quyền 64 tuổi được đảng Dân chủ Tự do Hàn Quốc đề cử ra tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào ngày 9.5 tới.
Ông Moon đã mạnh mẽ phản đối chính sách cô lập và gây áp lực lên Triều Tiên của chính quyền tiền nhiệm Park Geun-hye. Ông tuyên bố ủng hộ việc tái xem xét lại mối quan hệ với Bình Nhưỡng với mong muốn mở lại khu công nghiệp chung Kaesong, thúc đẩy giao lưu văn hóa trên khắp Khu phi quân sự (DMZ) giữa 2 nước. Ông cũng cho rằng, việc triển khai lá chắn THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc cũng cần được xem xét lại.
Trước tình hình này, ông Delury bình luận: "Đó là những điều trái với những gì ông Trump muốn làm. Sự trở lại của những người tự do ở Seoul đang làm suy yếu lập trường rõ ràng của Triều Tiên dựa trên áp lực và trừng phạt (Triều Tiên).
Ông Moon rõ ràng đã nhận thức sâu sắc được rằng, việc cô lập và các chế tài trừng phạt Triều Tiên trong suốt một thập kỷ qua đã không đạt được hiệu quả như mong đợi. Việc hạ nhiệt căng thẳng ngay lập tức sẽ giúp Hàn Quốc an toàn hơn trong bối cảnh nước này hoàn toàn nằm trong phạm vi của tên lửa và vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Việc tái xem xét lại kế hoạch triển khai THAAD cũng sẽ giúp Hàn Quốc giải phóng một số áp lực kinh tế từ Trung Quốc vào thời điểm nước này đang gặp khó khăn. Hơn nữa, Trung Quốc cũng luôn ủng hộ đối thoại và đàm phán với Triều Tiên.
"Ngay cả khi Mỹ thuyết phục được Trung Quốc mạnh tay hơn với Triều Tiên, nước này vẫn sẽ tiếp tục tăng cường năng lực hạt nhân của họ với quyết tâm còn lớn hơn", ông Delury nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng nhận định, tấn công Triều Tiên có thể giúp phá huỷ nhiều cơ sở thử nghiệm, làm giàu hạt nhân cũng như kho tên lửa của nước này. Tuy nhiên, thủ đô Hàn Quốc - chỉ cách DMZ 50 km với dân số lên tới 50 triệu người - sẽ phải đối mặt với sự trả đũa tàn khốc. Ngoài ra còn có 28.000 quân Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc trong khi tại Nhật có 50.000 quân.
Theo đó, ông Carlyle Thayer, giáo sư danh dự của Học viện Quốc phòng Úc, khẳng định rằng, nói thì dễ nhưng một hành động đơn phương không bao giờ đơn giản như thế. "Theo nghĩa đen, không thể có những chuyện như 'tự làm việc đó'. Trên bán đảo Triều Tiên, không thể làm được như vậy. Nó thể hiện sự thiếu hiểu biết về toàn bộ tình hình. Không thể nào hủy diệt được pháo binh và rocket hạng nặng của Triều Tiên để cứu Seoul khỏi thảm họa".