Dân Việt

Cô gái 17 tuổi "giật" học bổng Harvard nhờ viết về tên mình

Hạ Nhiên 07/04/2017 17:32 GMT+7
Cô gái cao 1m71 chạm tay đến cánh cửa đại học danh giá nhất hành tinh với suất học bổng 7 tỷ đồng.

img

Nguyễn Đình Tôn Nữ - nữ sinh Việt tiếp theo chạm đến giấc mơ Harvard

Bật khóc ngay khi biết kết quả - đó là cảm xúc không quá khó hiểu của Nguyễn Đình Tôn Nữ (17 tuổi, học sinh trường chuyên Hà Nội-Amsterdam) khi giành học bổng 7 tỷ của ngôi trường đại học danh giá nhất hành tinh.

Thế nhưng, ít ai biết, đằng sau suất học bổng giá trị lớn này là rất nhiều quyết định thú vị của cô gái cao 1m71. Tôn Nữ gây ấn tượng với toàn bộ hội đồng tuyển sinh bằng bài luận viết về chính tên mình. Thay vì “khoe khoang” thành công, cô nàng lại dành toàn bộ bài luận thứ hai để nói về thất bại.

Và đặc biệt, Harvard – ngôi trường mơ ước của hàng triệu sinh viên trên thế giới lại không phải là “cánh cửa mơ ước” trong 4 năm tiếp theo của Tôn Nữ.

Cùng trò chuyện với cô nàng để hiểu hơn về những điều thú vị này:

img

Tôn Nữ biết cách khiến mình trở nên đặc biệt trong mắt hội đồng tuyển sinh

Khi biết có trong tay suất học bổng trị giá 7 tỷ của Harvard, cảm xúc của bạn thế nào?

Việc đầu tiên mình làm là thông báo cho một người bạn đang học ở Đại học Dartmouth (Mỹ) và một người bạn học ở Macalester. Bất ngờ, nhẹ nhõm và biết ơn - đó là toàn bộ cảm xúc của mình khi ấy.

Được biết Harvard không phải là ngôi trường duy nhất gọi tên bạn trong đợt tuyển sinh này?

Mình nộp hồ sơ đến nhiều trường khác như: Stanford, Yale, Princeton, Columbia và vài trường Liberal Arts, gồm Swarthmore và Williams.

Trong đó, mình được Harvard, Swarthmore và Williams nhận vào học, còn những trường khác (gồm cả trường đinh ninh sẽ đậu), mình lại trượt (cười).

img

Cô nàng luôn sống và học tập với tâm thế cởi mở

Bạn đã nung nấu ước mơ du học từ bao giờ và đã làm những gì để biến giấc mơ ấy thành sự thật?

Mình thật sự không khao khát đến vậy. Mình chỉ thích học thôi và vì môi trường học tập ở nước ngoài đáp ứng được sự ham học hỏi của mình nên đã chọn đi du học.

Tại sao bạn lại gửi đến Harvard bài luận: “Vì sao tôi tên là Tôn Nữ?” chứ không phải một chủ đề nào khác vĩ mô hơn?

Mình là con gái của dòng họ Nguyễn Đình. Mình muốn khám phá lịch sử của gia đình, đất nước, cách sống của mỗi cá nhân rồi liên hệ với vận mệnh của toàn nhân loại. 

Thực ra, bài luận của mình không chỉ về cái đó. Mình còn viết về lịch sử, văn hóa đất nước và niềm tin của mình về một nền văn hóa học tập tiên tiến.

Bạn còn có một điểm “khác người” nữa là, trong khi người ta viết về thành công thì bạn lại chia sẻ thất bại. Đó có phải là cách bạn khiến mình trở nên đặc biệt trong mắt hội đồng tuyển sinh?

Không hề! Mình nghĩ, cả hồ sơ của mình từ đầu đến cuối không thực sự giống hồ sơ của một người sẽ đỗ vào Harvard.

Tuy nhiên, qua tất cả các bài luận, mình đã nói rõ bản thân học được gì, học như thế nào trong những năm qua; thể hiện được quá trình phát triển và chiều sâu suy nghĩ của bản thân.

Suy nghĩ là một chuyện nhưng để viết ra được những điều ấy thì mình phải cảm ơn thầy cố vấn Luke Taylor rất nhiều. Thầy luôn ở cạnh lắng nghe mình nói, giúp mình có cái nhìn toàn diện về bản thân.

Hiểu được chính mình, quả thực rất quan trọng.

img

Một cô gái năng động, hoạt bát, có phần nhắng nhít chọn học Nhân văn vì khao khát hiểu biết nhân loại

“Cả hồ sơ từ đầu đến cuối không thực sự giống hồ sơ của một người sẽ đỗ vào Harvard”, vậy ngoài bài luận rất khác biệt ra, hồ sơ của bạn còn có những gì?

Tất cả những hoạt động ngoại khóa mình đã làm. Là vì mình thích thế chứ không phải làm đẹp bộ hồ sơ. Mình không mất quá nhiều thời gian để hoàn thành nó, đơn giản chỉ là điền chữ vào ô trống (cười).

Thật ra mình thấy, làm hồ sơ và viết bài luận rất dễ. Nhưng để viết được một cái gì đó hay ho, có giá trị cho cả mình và người đọc mới là cái khó.

Để làm được việc này, mình đã đọc sách và nghiên cứu nhiều. Chẳng hạn như sách của của Claude-Levi Strauss cho mình một vài tư liệu thú vị về nhân chủng học và cuốn Orientalism của Edward giúp mình có cách hiểu khác về văn hóa của những dân tộc không phải da trắng, nhìn ra ảnh hưởng của phương Tây đến cách nhìn nhận văn hóa của chính những dân tộc này…

img

Trong thời gian học THPT, Tôn Nữ tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa

Dường như bạn rất hứng thú về dân tộc, sắc tộc. Đó có phải là lý do bạn chọn ngành Nhân văn của ĐH Harvard?

Mình muốn học nhân văn bởi khao khát hiểu thêm về nhân loại. Thời gian học đội tuyển quốc gia đã tạo cho mình niềm hứng thú đặc biệt với bộ môn triết học và các loại hình nghệ thuật như thơ hay phim.

Đọc thơ của Chiyo-ni, xem video essay của Slavoj Zizek… đã mở ra cho mình cả một thế giới mới và tạo cảm hứng để mình tìm hiểu thêm về triết học, văn học – nghệ thuật ngoài giờ lên lớp. Cuối cùng, nó dẫn mình đến với Harvard.

Còn gần 5 tháng nữa sẽ có mặt tại Harvard, Tôn Nữ đã chuẩn bị những gì cho hành trang học tập tại đây?

Mình chuẩn bị tâm thế cởi mở và ham học hỏi, sẵn sàng thất bại, sẵn sàng đứng lên.

Quỹ thời gian ít ỏi còn lại ở Việt Nam, mình sẽ làm những việc khiến bản thân vui vẻ. Chủ nhật hàng tuần mình vẫn họp mặt ở Debate club (một câu lạc bộ của trường Amsterdam), cho đến khi tìm được người kế nhiệm và người cố vấn. Mình vẫn đi chụp ảnh cho Ams media, đi dạy…

Nói chung, mình không ngồi cả ngày ở nhà chờ Harvard đâu (cười lớn).

img

Tôn Nữ và anh trai - người có ảnh hưởng lớn đến nhiều quyết định của cô

7 tỷ đồng – đó là suất học bổng không hề nhỏ, lại là của ngôi trường danh tiếng. Theo bạn, điều quan trọng nhất để gặt hái được thành công này nằm ở đâu?

Mình muốn nhấn mạnh là mình không có “bí quyết” gì cả. Không có bất cứ thứ gì mọi người không biết mà mình lại biết.

Mình nghĩ,  điều quan trọng nhất là phải giữ tâm thế cởi mở, biết tôn trọng người khác và phải nhìn vào lợi ích của cộng đồng khi hành động. Ở mỗi người đều có một điều gì đó đáng học tập. Chính bạn bè của  mình đã dạy mình thứ quan trọng nhất trên con đường đến Harvard và trong cả sự nghiệp học hành.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của bạn!

Không nhận ra “hot girl Olympia” sau 1 năm gây bão

Rời vòng tay ba mẹ, cô gái xinh đẹp “nếm mùi“ ngủ qua đêm ở một quán ăn.