Sư phạm đang… bội thực
Đây là khối ngành đang được Bộ GDĐT báo động đỏ về tình trạng thừa nhân lực. Theo thống kê mới nhất của Bộ GDĐT cả nước hiện có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp.
Bộ GDĐT đang xây dựng đề án đào tạo lại 40.000 giáo viên phổ thông để chuyển xuống dạy mầm non (ảnh minh họa: IT)
Ở một nghiên cứu khác của PGS.TS Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô cũng cho thấy: đến năm 2018, số cử nhân sư phạm ra trường mỗi năm lên tới 60.930 người.
Tuy nhiên, theo ước tính trung bình từ năm 2013 đến nay, sau khi giảm chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm thì mỗi năm nước ta vẫn có thêm khoảng 4.000 sinh viên ra trường không tìm được việc làm. 70.000 cử nhân Sư phạm thất nghiệp năm 2020 được phân bổ ở tất cả các bậc học, trong đó, bậc tiểu học thừa khoảng 41.000 người, THCS thừa 12.200 người và ở cấp THPT là khoảng 16.900 người.
Nguyên nhân về con số dư thừa và thất nghiệp “khổng lồ” nhiều chuyên gia giáo dục từng phân tích là do việc dự báo tình hình giảm số lượng học sinh ở các bậc học do tác động của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình; hệ thống các trường ĐHCĐ sư phạm được mở chưa hợp lý, chỉ tiêu đào tạo chưa được kiềm chế kịp thời và chính sách hỗ trợ học phí đã khiến thí sinh đổ xô thi vào ngành này.
Trong khi tình trạng thừa cử nhân sư phạm đang báo động thì ở nhiều cấp học vẫn thiếu giáo viên. Cụ thể, tổng số GV công lập còn thiếu là 45.058 (trong đó, mầm non lên tới 32.641, tiểu học: 7.824, THCS: 2.799, THPT: 1.794). Các tỉnh còn thiếu GV mầm non như: Sơn La 1.040, Bắc Giang 1.921, Thái Bình 1.500, Thanh Hóa 1.405, Nghệ An 3.328, TP HCM 1.195, đối với tiểu học một số tỉnh thiếu nhiều như: TP Hà Nội 2.696, Sơn La 1.133, Gia Lai 1.196...
Để cải thiện tình trạng này, hiện Bộ GDĐT đang xây dựng đề án đào tạo lại 40.000 giáo viên phổ thông để chuyển xuống dạy mầm non. Ngoài ra, Bộ cũng có nhiều biện pháp để giảm tình trạng thất nghiệp ngành sư phạm như sát nhập trường, giảm chỉ tiêu tuyển sinh, cảnh bảo tình trạng thất nghiệp…
Kế toán – kiểm toán dư thừa nhiều
Các đây vài năm, ngành kế toán – kiểm toán thu hút được rất nhiều người học nhờ mức lương cao sau khi ra trường. Cũng vì điều này mà điểm chuẩn trúng tuyển của các ngành này luôn đứng “top” 2, 3 so với các ngành khác. Tuy nhiên, hiện nay, đây là một trong những nhóm ngành đang dư thừa lao động và cảnh báo vẫn còn dư thừa trong các năm tới.
Theo khảo sát tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội 6 tháng đầu năm 2016, kế toán - tài chính đứng đầu trong số các ngành được nhiều người tìm việc nhất. Bản tin thị trường lao động quý 2/2016 vừa được Bộ LĐ-TB-XH công bố cũng cho thấy, nhóm nghề kế toán - kiểm toán có số lượt người tìm việc nhiều nhất (chiếm 16,9%); tiếp đó là quản trị kinh doanh (10,4%) và nhân sự (10%).
Ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Ban đào tạo, Hội giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh thông tin thêm: Chỉ tính ở TP Hồ Chí Minh, mặc dù tỷ lệ nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này vẫn ở mức cao nhất (30% trong cơ cấu tuyển dụng), nhưng do lượng cầu vượt cung quá nhiều nên để kiếm được 1 công việc, mỗi ứng viên phải vượt qua 90 người khác. Tức là tỷ lệ chọi 1/90.
Nguyên nhân của sự dư thừa nhân lực nhóm ngành này là do việc ồ ạt mở ngành của các trường đào tạo trong mấy năm trược. Hiện nay, cả nước vẫn có khoảng 200 trường ĐH, CĐ đào tạo ngành nghề kế toán. Nhiều trường không chuyên nhưng kế toán vẫn được xem là ngành chủ lực.
Theo ông Cường, nếu thí sinh vẫn đam mê và quyết tâm chọn học các ngành này cần xác định phải trau dồi kiến thức, kỹ năng thật tốt. Ngoài ra, phải học thành thạo ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng mềm để chịu được sức cạnh tranh của thị trường.
Cử nhân Tài chính - Ngân hàng vẫn ế ẩm
Theo bản tin thị trường lao động quý II/2016 được công bố bởi Viện Khoa học Lao động và xã hội, ngành Tài chính - Ngân hàng mặc dù có tăng nhưng số lượng tân cử nhân ngành này không có việc làm đúng chuyên ngành cũng tiếp tục gia tăng.
Ngành tài chính ngân hàng vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao (ảnh minh họa: IT)
Cũng thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội vào năm 2015 cho biết đối với ngành tài chính ngân hàng, có đến 12.000 tân cử nhân thất nghiệp trong tổng số khoảng 29.000 tân cử nhân của ngành này. Thời điểm này, tài chính trở thành nhóm nghề có nhiều người tìm việc nhất cả nước (21,9%), tiếp đến là Quản trị nhân sự (11,1%), Kế toán (10,5%)...
Trong khi đó, ngành Tài chính - Ngân hàng vẫn được tuyển sinh ở nhiều trường với số chỉ tiêu lớn, vượt trội so với các ngành đào tạo còn lại. Trong mùa tuyển sinh 2016, 2017 các ngành này vẫn tiếp tục là ngành mũi nhọn với chỉ tiêu tuyển sinh không hề giảm của top trường kinh tế. Dự báo trong thời gian tới, sinh viên nhóm ngành này ra trường tìm việc vẫn chưa dễ dàng.
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên, thí sinh muốn theo học ngành tài chính ngân hàng cần xem xét lại định hướng nghề nghiệp và nghiêm túc chuẩn bị hành trang, kiến thức, kỹ năng trong quá trình học để sẵn sàng ra thị trường. Nhân lực ngành này vẫn thiếu nhưng là thiếu người giỏi.