Sớm 7/4, chuyện đó đã xảy ra. Tổng thống Donald Trump hạ lệnh cho quân Mỹ phóng hàng chục tên lửa Tomahawk vào một căn cứ của Syria, sau khi quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad bị cáo buộc sử dụng căn cứ này để thực hiện một cuộc tấn công hóa học nhằm vào dân thường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Express)
Đây không phải là tình huống mà Tổng thống Putin không có lựa chọn. Ông đã được Mỹ báo trước sẽ nã tên lửa, vì căn cứ đó có quân Nga đồn trú. Do vậy, Nga hoàn toàn có thể bắn chặn các tên lửa của Mỹ.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Và tạp chí Popular Mechanics đưa ra lý giải về quyết định của ông Putin.
Theo Popular Mechanics, chính quyền Syria đang vận hành các hệ thống phòng không của Nga, nhưng chúng cũ hơn và không thể xử lý được cùng lúc hàng chục tên lửa hành trình.
Lầu Năm Góc cho biết, các tên lửa Tomahawk của Mỹ nã vào các điểm vũ khí bắn máy bay tại căn cứ, có nghĩa là những vũ khí này có thể không còn ở đó nữa. Nga đã điều nhiều hệ thống tên lửa phòng không tốt nhất là S-300 và S-400 đến Syria. Hành động của Nga dường như cho thấy, vũ khí ở đó là để bảo vệ các căn cứ Syria khỏi bị Mỹ oanh kích.
Vấn đề là, các hệ thống tinh vi này chỉ được đặt tại các cơ sở của Nga. Theo Bộ Ngoại giao Nga, các hệ thống S-400 và Pantsir được đặt tại căn cứ Hmeymim, gần sân bay Al Assad, và căn cứ hải quân Nga ở Tartus. Các cơ sở này là tài sản quân sự hàng đầu của Nga bên trong lãnh thổ Syria.
Căn cứ Syria bị tên lửa Mỹ nhắm tới, Shayrat, nằm cách đó không xa. Người Nga cũng sử dụng căn cứ này, và cuối năm 2015, họ đã cải tiến đường băng, chuyển vào các trang thiết bị để máy bay Nga có thể xuất kích. Nhưng Nga không cần đặt các hệ thống phòng thủ ở đấy để tự vệ. Nơi này nằm trong ô che của các hệ thống S-300 và một hệ thống radar có tầm phủ hơn 300km.
Tomahawk có thể được lập trình bay tránh các điểm radar, nhưng tầm phủ rộng của radar thì khó mà chọc thủng.
Bên cạnh đó, Nga biết sẽ có cả dàn tên lửa Mỹ được bắn đi. Các hãng thông tấn ở Washington đưa tin, Mỹ đã cảnh báo trước ít nhất 1 giờ khi các tên lửa xuất kích. Đây là khoảng thời gian lớn để kích hoạt những hệ thống radar đó, di chuyển các máy phóng di động và đưa các xạ thủ tên lửa tốt nhất vào vị trí.
Vậy ông Putin hoàn toàn có thể ra lệnh bắn chặn các tên lửa Tomahawk. Ông có thể viện lý do cứu mạng những người Syria đang chiến đấu chống khủng bố. Thậm chí nếu các hệ thống phòng không bị lấn át bởi quá nhiều tên lửa Mỹ thì một số tên lửa bị bắn hạ vẫn có thể đóng vai trò như sự đáp trả trước lập trường quay ngoắt của Washington đối với Syria.
Bên cạnh đó, nếu Nga phản ứng thì căng thẳng ít có nguy cơ leo thang vì sẽ không có phi công nào của Mỹ chết hay bị thương.
Nhưng nhà lãnh đạo Nga đã quyết định không hành động. Có thể đây là một lựa chọn chiến thuật của ông. Có thể Putin muốn gửi một thông điệp tới Tổng thống Syria rằng sự hỗ trợ của Nga cũng chỉ có giới hạn.
Hoặc, ông Putin có một ý định khác.
Câu hỏi để ngỏ cho giới quốc phòng hiện nay là mức độ hiệu quả của các vũ khí phòng không Nga trước công nghệ Mỹ. Nga đã kiếm được rất nhiều tiền và giành được uy tín quốc tế nhờ bán các hệ thống mà nước này khẳng định có thể chặn vũ khí Mỹ. Do vậy, Moscow sẽ khiến các khách hàng thất vọng nếu bắn trượt tên lửa Mỹ.
Tổng thống Putin đã có thể hạ lệnh bắn loạt Tomahawk của Mỹ, nhưng quyết định như vậy có thể sẽ gây rủi ro cho những tính toán địa chiến lược dài hạn.