Dân Việt

“Vấn đề lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai là mất cân đối về vốn”

Trần Giang 10/04/2017 17:55 GMT+7
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, đánh giá vấn đề lới nhất của Hoàng Anh Gia Lai là mất cân đối về vốn. Còn về việc cân đối giữa nợ và tài sản thì Hoàng Anh Gia Lai là một đơn vị làm rất tốt. Hiện nợ của Hoàng Anh Gia Lai chủ yếu là để ở nhóm 1, nhóm 2.

img

Chiều nay, ngày 10.4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017. Tại đại hội, nhiều cổ đông tỏ ra lo ngại rủi ro về khoản vay hơn 2.000 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Khó khăn của Hoàng Anh Gia Lai không đáng ngại

Về vấn đề này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank, xác nhận ngân hàng có khoản nợ với HAGL.

“Những năm qua, HAGL làm nông nghiệp. Đây là lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Trong các hoạt động của họ có cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan như giá nông sản, hàng hóa và kinh tế thế giới biến động nên họ bị ảnh hưởng”, ông Dũng phân tích.

Ông Dũng cho biết, cuối 2016, họ đã tái cơ cấu khoản nợ và được lùi các khoản nợ và khoản lãi với các thời gian khác nhau từ 3, 5 đến 10 năm. “Chúng tôi đánh giá HAGL đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Với giá cao su, dầu cọ đã tăng mạnh trở lại, tôi cho rằng rủi ro đã qua. Từ tháng 3 vừa rồi họ đã khai thác cao su và đưa các diện tích trồng trọt ra khai thác. Tôi đánh giá rủi ro của HAGL với VPBank gần như là không có”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cổ đông vẫn tiếp tục truy vấn và muốn ban điều hành làm rõ khoản nợ của HAGL đang được ngân hàng xếp vào nợ nhóm mấy? Về câu hỏi này, ông Vinh cho biết, HAGL là một tổ chức thật chứ không phải ảo. Họ có hơn 80.000 ha cao su, hơn 10.000 ha dầu cọ rồi chăn nuôi, thủy điện…

Việc cho HAGL vay là hết sức bình thường vụ phục phát triển kinh tế. Tuy nhiên khủng hoảng giá dầu, giá cao su làm ảnh hưởng doanh nghiệp, họ mất cân đối về cơ cấu vốn.

“VPBank với tư cách là 1 trong 8 ngân hàng đánh giá rằng HAGL vấn đề lớn nhất là mất cân đối về vốn. Còn về việc cân đối giữa nợ và tài sản thì HAGL là một đơn vị làm rất tốt”, ông Vinh bình luận.

Theo ông Vinh, khó khăn của HAGL là không đáng ngại. Chúng tôi và cả các ngân hàng đã hoàn thành tái cấu trúc phần nợ liên quan ngân hàng. Có những khoản kéo dài dạng giãn tiến độ, có khoản nợ được cấu trúc bán tài sản để cấu trúc lại…

“Ngân hàng đã làm việc với cơ quan chức năng, chương trình tái cấu trúc với HAGL đã được NHNN ủng hộ. Đại bộ phận các khoản nợ là để nhóm 1, một số để nhóm 2 nhưng nhóm 2 không có nghĩa là xấu vì đó là phần được giãn nợ từ 2 năm lên 5 năm. Chúng tôi hi vọng, việc thay đổi của HAGL, năm nay họ sẽ trả được một phần nợ cho VPBank”, ông Vinh cho biết...

VPBank muốn tăng thêm 3.000 – 4.000 tỷ đồng vốn điều lệ

Cũng tại đại hội, nhiều cổ đông đã băn khoăn về tỷ lệ nợ xấu của VPBank. Tuy tỷ lệ 2,9% trong năm 2016 không phải là lớn nhưng cao hơn so với ngân hàng khác (2% là của ngân hàng và công ty tài chính là hơn 4%).

Về vấn đề này, ông Vinh cho rằng VPBank là ngân hàng tham gia nhiều vào các hoạt động cho vay rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu nhìn con số thì lớn so với các ngân hàng trong hệ thống, với 2,9%, song tất cả vẫn nằm trong vùng an toàn.

“Nhưng con số cũng phản ánh phân khúc VPBank kinh doanh có độ rủi ro cao hơn. Dẫu vậy ngân hàng đã trích lập dự phòng khá chặt chẽ và có thể nói là lớn nhất hệ thống”, ông Vinh cho biết.

Ông Vinh cho biết thêm, năm 2016, VPBank còn tăng mạnh về quy mô khách hàng với hơn 5 triệu khách hàng có tài khoản đăng ký với ngân hàng, trong đó 3,3 triệu khách hàng thường xuyên giao dịch. Ngân hàng nhận thấy tiềm năng khách hàng rất lớn khi tỷ lệ sử dụng sản phẩm của mỗi khách hàng hiện còn thấp ở mức hơn 1 sản phẩm và ngân hàng đang hướng tới mục tiêu mỗi khách hàng sử dụng hơn 2 sản phẩm, VPBank sẽ trở thành một ngân hàng bán lẻ rất mạnh.

“Đối với mảng thẻ tín dụng được nhiều ngân hàng tập trung kinh doanh hiện nay, VPBank là ngân hàng nằm trong top các ngân hàng phát hành nhiều thẻ tín dụng nhất, với hơn 160 nghìn thẻ và mảng này cũng bắt đầu đem về lợi nhuận cho ngân hàng từ năm ngoái”, ông Vinh cho biết.

VPBank cho biết, theo kế hoạch kinh doanh năm 2017 trình ĐHĐCĐ thì chỉ tiêu tổng mức dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp năm 2017 của VPBank ước đạt 200.591 tỷ đồng.

Với kế hoạch này và ảnh hưởng tác động của thông tư 35/2016/TT-NHNN thì để đảm bảo hệ số CAR của ngân hàng tối thiểu 9%, dự kiến tổng vốn tự có của ngân hàng tối thiểu phải là 18.000 tỷ đồng.

Đồng thời, với mục tiêu đảm bảo an toàn vốn theo các chỉ tiêu quản trị nội bô cũng như các cam kết với các đối tác quốc tế và để chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh mở rộng cho các năm tiếp theo, Ngân hàng liên tục cần tăng trưởng vốn tự có trong hoạt động của mình.

Với vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là 10.765 tỷ đồng và số vốn tự có tương ứng khoảng 15.400 tỷ đồng thì thì trong năm 2017 VPBank cần bổ sung thêm khoảng 3.000 đến 4.000 tỷ đồng vào Vốn điều lệ để đáp ứng các nhu cầu hoạt động của ngân hàng và đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong quá trình hoạt động.

Do vậy năm nay ngân hàng có kế hoạch tăng vốn bằng hai đợt. Đợt 1 sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, tổng cộng 3.293 tỷ đồng. Dự kiến vốn điều lệ sau khi tăng sẽ đạt 14.059 tỷ đồng. Đợt 2 là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng vốn với mức tối đa là 1.332 tỷ đồng.

Theo báo cáo được trình bày tại đại hội, năm 2016, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 4.929 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2015 và vượt 54% so với kế hoạch đề ra. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 24%, huy động vốn khách hàng tăng 13% trong khi tổng tài sản tăng trưởng 18%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,9% trên tổng dư nợ.

Kế hoạch năm 2017, ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổng tài sản sẽ nâng lên mức hơn 280 nghìn tỷ đồng.