Dân Việt

Gỡ khó đầu ra, nông dân Đông Nam Bộ đổ xô trồng tiêu sạch

Trần Đáng 11/04/2017 13:49 GMT+7
Trước việc giá hồ tiêu diễn biến khó lường và đầu ra ngày càng khó khăn, nhiều nông dân ở Đông Nam Bộ đang chuyển hướng sang sản xuất hồ tiêu sạch với hy vọng tình hình tiêu thụ sẽ sáng sủa hơn.

Theo các nhà vườn trồng tiêu địa bàn Đông Nam Bộ, giá thu mua hồ tiêu gần đây dao động trên dưới 100.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm khoảng 30% so với thời điểm giữa năm 2016 và giảm gần 50% so với thời điểm giá tiêu đạt “đỉnh” hơn 2 năm trước. Việc sản xuất tiêu sạch để nâng chất lượng, tăng sức cạnh tranh nhằm đảm bảo đầu ra là không thể tránh khỏi.   

Đua nhau làm tiêu sạch

img

Anh Trần Văn Tánh (ấp 2, xã Lâm San, Cẩm Mỹ) chăm sóc vườn hồ tiêu sạch.  Ảnh: T.Đ

Theo Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiệp hội đang phối hợp các doanh nghiệp mở rộng diện tích dự án tiêu sạch ra các vùng trồng tiêu khác trên địa bàn huyện Châu Đức và Xuyên Mộc. Kế hoạch trong năm 2017, toàn tỉnh sẽ có khoảng 1.000ha hồ tiêu được tham gia các dự án và được cấp các chứng nhận quốc tế, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công thương hiệu “Hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu”. 

Huyện Châu Đức là địa phương có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với hơn 7.000ha. Đây cũng là địa phương đầu tiên được một số công ty triển khai thực hiện chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm hồ tiêu sạch của tỉnh.

Hiện trên địa bàn huyện có 3 đơn vị gồm: Công ty Harris Freeman Việt Nam, Công ty TNHH Olam Việt Nam, Công ty TNHH Gia vị Việt Nam triển khai dự án tiêu sạch với diện tích khoảng 500ha hồ tiêu của gần 480 hộ nông dân (ND) tham gia. Khi tham gia dự án, các hộ trồng tiêu sẽ được cấp các giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, như: Susainable Arriculture Network (SAN), Rainforest Alliance (RA) và GlobalGAP.

Theo ông Đặng Văn Lẹ - ND tham gia dự án hồ tiêu bền vững của Công ty TNHH Harris Freeman, khi tham gia dự án ông được hướng dẫn các kỹ thuật trồng tiêu tiên tiến. Là người trồng tiêu và sống nhờ vào cây tiêu nên ông khá lo lắng trước việc hạt tiêu Việt Nam bị nhiều nước phản ảnh có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, có thể sẽ bị hạn chế xuất khẩu. Tham gia dự án, được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP và được bao tiêu sản phẩm giúp ông khá an tâm sản xuất.

Trong khi đó, mới đây hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) vừa xuất khẩu 30 tấn tiêu sạch vào thị trường Đức. Nhờ xây dựng dự án cánh đồng lớn hơn 100ha sản xuất tiêu an toàn, tiêu GlobalGAP nên HTX đã thu hút được nhiều ND tại các xã Lâm San, Xuân Đông và Sông Ray tham gia.

Hiện huyện Cẩm Mỹ phát triển được khoảng 4.000ha hồ tiêu, trong đó có hơn 10ha được cấp chứng nhận GlobalGAP. Sản phẩm tiêu sạch được doanh nghiệp về tận nơi bao tiêu cho ND.

Ngoài việc ND tham gia các dự án trồng tiêu sạch, tỉnh Đồng Nai còn hỗ trợ cho ND làm chứng nhận GlobalGAP với mục tiêu xây dựng thương hiệu tiêu sạch. Ông Phạm Xuân Chiên - ND có 2,5ha tiêu được cấp chứng nhận GlobalGAP (ấp 3, xã Lâm San, Cẩm Mỹ) cho biết: “Chi phí sản xuất theo hướng sạch cũng chỉ tăng nhẹ so với cách làm truyền thống nhưng cây tiêu phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh, hạt tiêu đạt chất lượng cao. Tuy tiêu GlobalGAP chỉ được doanh nghiệp thu mua bằng giá tiêu thường, nhưng nhờ sản phẩm có thương hiệu nên đầu ra ổn định hơn”.   

Doanh nghiệp bao tiêu

Theo kế hoạch, thời gian tới HTX nông nghiệp Lâm San sẽ mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn cho cây tiêu sạch với diện tích khoảng 300ha. Ông Trần Văn Tánh - Phó Giám đốc HTX này cho biết, hiện một số doanh nghiệp đến tận địa phương bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định hơn cho ND. HTX đang vận động ND làm tiêu sạch. “Bây giờ, phải sản xuất tiêu chất lượng, an toàn thì mới cạnh tranh, tiêu thụ được trên thị trường” - ông Tánh chia sẻ.

Hiện HTX Lâm San và Công ty xuất nhập khẩu Petrolimex đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho ND. Trong khi đó, theo ông Lương Văn Thăng - Phó Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành công ban đầu của các dự án tiêu sạch tại huyện Châu Đức sẽ từng bước giúp sản phẩm hồ tiêu của tỉnh ngày càng nâng cao về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế.

“Trong thời gian tới, ổn định diện tích thâm canh theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề cần giải quyết trong việc phát triển bền vững cây hồ tiêu trên địa bàn huyện. Song song đó, huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, công ty tham gia hình thành vùng nguyên liệu bền vững và bao tiêu cho hồ tiêu”- ông Lê Thanh Liêm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Đức cho biết.