Hiện người dùng có nhu cầu mua SIM số đẹp có thể lựa chọn một trong hai nguồn là mua trực tiếp từ nhà mạng và mua qua các đại lý SIM thẻ. Tuy nhiên, hầu hết số thuê bao được cho là đẹp đều đã bị các đại lý thu gom khiến kho SIM số đẹp của nhà mạng thiếu hấp dẫn.
Muôn vàn tiêu chí
Dạo qua một vài đại lý có kinh doanh SIM số đẹp, dễ thấy có những con số tưởng chừng không liên quan đến nhau lại được định giá tới cả triệu đồng. Một thuê bao có dạng 0**1621439 được đại lý định giá tới 1.050.000 đồng do thuộc vào hàng "SIM thần tài".
Đại lý này giải thích SIM thần tài là loại có số đuôi 39 hay 79, dân gian gọi là số thần tài. Khi sử dụng số thuê bao dạng này, chủ SIM sẽ được thần tài phù hộ làm ăn may mắn phát đạt.
Không chỉ "SIM thần tài", rất nhiều tiêu chí định giá mà nhiều khi chỉ có dân buôn mới hiểu, vô hình đẩy giá những số thuê bao 50.000-60.000 đồng lên hơn triệu đồng.
Có thể liệt kê những tiêu chí mà giới buôn SIM hay sử dụng để quảng cáo như số thần tài, số tiến, số gánh đảo, số soi gương, số ông địa hay số năm sinh. Do thực hiện gom số từ nhà mạng sớm nên người mua khi có nhu cầu chỉ có thể tìm mua số tại các đại lý với giá đắt gấp 20-40 lần giá nhà mạng đưa ra.
Truy cập trang bán SIM số đẹp của nhà mạng Viettel, không thể tìm được bất kỳ một SIM 10 số nào có đuôi 39, 79 trong khi tại các đại lý SIM thẻ, loại SIM này rất phổ biến.
Chị T. Hương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ hai vợ chồng chị muốn mua một đôi SIM 10 số đuôi 79 để kỷ niệm ngày cưới 7/9 nhưng hiện nhà mạng không còn loại SIM này. Trong khi đó, loại SIM này mua tại các đại lý thì mức giá rất vô lý.
"Cùng một số thuê bao như tôi tham khảo, chỉ khác số cuối cùng không phải là 9 thì giá 50.000 đồng còn có số 9 thì lên tới hơn 1 triệu, trong khi đại lý đầu cơ hết đuôi số này, khách hàng như chúng tôi không biết tìm mua ở đâu để được số thuê bao mong muốn", chị nói.
Ai là người định giá?
Theo M. Quân, một dân buôn SIM số đẹp lâu năm có cửa hàng trên đường Giải Phóng (Hà Nội), việc định giá SIM được thực hiện theo mặt bằng chung của thị trường và dựa theo "độ đẹp" của số thuê bao.
Quân lý giải nếu số thuê bao có dạng dễ nhớ, số tam hoa (3 số giống nhau đứng liền nhau), tứ quý (4 số giống nhau đứng liền nhau) hay dạng số taxi (abc.abc) thì chắc chắn giá không thể như những SIM thông thường khác. Số ông địa, thần tài cũng được nhiều người tìm mua nên đại lý tất nhiên cũng không thể để giá quá rẻ.
"Mình nhập về mất công bảo quản, qua mấy đợt thu hồi SIM kích hoạt sẵn nên ai bảo SIM số của mình không đáng mức giá đó là không hiểu quy trình", Quân cho hay.
Những SIM có số đẹp rõ ràng, ai cũng nhìn ra, thường có mức giá tới vài chục triệu đồng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên những SIM "dễ nhớ" một cách rất cảm tính cũng được các đại lý thổi giá lên từ 500.000 đồng tới 2 triệu đồng.
Khi được hỏi vì sao SIM số 09**952778 lại có giá tới 520.000 đồng dù không khác gì những số thuê bao 50.000 khác, chủ đại lý online lý giải đây là SIM dễ nhớ do có nhịp khi đọc, lại có 2 lần lặp số.
"Nhiều người muốn số đẹp dễ nhớ mà lượng số có hạn, làm sao có giá rẻ được, phải có mức giá riêng chứ", anh này khẳng định.
Chị Quỳnh Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay chị thấy không thuyết phục khi các đại lý gom SIM "dễ nhớ" rồi bán giá gấp 10 lần giá gốc. "Nhiều lúc có số thuê bao mình thích, cần mua để sử dụng thì các đại lý đã gom sẵn và độc quyền cung cấp, mức giá cũng do đại lý định ra nên mình nhất định không mua".
Theo chị, cần có một cơ chế để tránh việc các đại lý đầu cơ SIM rồi làm giá, dẫn đến hạn chế sự lựa chọn của người dùng viễn thông.
Theo đại diện các nhà mạng, hoạt động này đã diễn ra rất nhiều năm. Các kênh phân phối SIM số đẹp chính thống hiện thường bị các đại lý sử dụng để gom hàng. Việc quản lý đại lý gom số đẹp nâng giá cũng khó như quản lý người bán dạo vé Vietlott do không thể xác định được người mua SIM để sử dụng hay để đầu cơ bán lại và pháp luật cũng không cấm việc mua đi bán lại SIM số.