Dân Việt

Phi lý của ngành chăn nuôi: Bắt lợn... nhịn đẻ để không tăng đàn

Nguyên Vỹ 11/04/2017 14:00 GMT+7
Đàn lợn bị khủng hoảng thừa, chủ trang trại phải chạy vạy khắp nơi kiếm tiền mua cám, thậm chí phải cầm cố sổ đỏ để duy trì đàn... Nông dân ở “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai đang gánh chịu một thảm cảnh chưa từng có, cũng chưa biết khi nào dừng lại.

Bắt lợn nhịn... đẻ

Cách đây 1 tuần, tại huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai, giá lợn hơi xuống mức 26.000 – 28.000 đồng/kg. Nhưng hiện tại, lợn nào đạt yêu cầu (90 – 110kg/con với 75% nạc) mới được giá 27.000 đồng/kg. Lợn xấu hơn, giá 24.000 – 25.000 đồng/kg thương lái còn không muốn mua.

Ông Trần Văn Lành, ngụ xã Hàng Gòn (thị xã Long Khánh) kể mới xuất lứa lợn 50 con, mỗi con lỗ 1 triệu đồng. "Lúc mua con giống bên ngoài giá 1,2 triệu đồng; lợn con từ lúc cai sữa (10 – 15kg) nuôi đến 110kg mất trung bình 150 ngày. Tiền thức ăn mua qua đại lý tốn 2,5 triệu/con. Tổng chi phí hết 3,7 triệu/con, chưa kể tiền công và thuốc men nhưng thương lái trả 27.000 đồng/kg, con cả trăm ký mới được 2,7 triệu đồng…”. Cũng theo ông Lành, giá lợn con hiện chỉ còn 350.000 đồng/kg loại 8 – 12kg, từ 12 – 15kg mới được 450.000 đồng/kg. Chỉ tính thức ăn, lợn con khi mua về là đã bị lỗ, chưa tính hao hụt do lợn giống chết.

img

  Công nhân đổ cám cho đàn lợn ăn tại trang trại ở xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Trần Quang

Không có lời, người dân chỉ lo duy trì hoặc giảm đàn chứ không dám nuôi thêm nên rất nhiều người bán (lợn giống) mà không có người mua. Giá lợn nái thải cũng xuống rất thấp, còn 14.000 - 15.000 đồng/kg. Anh Trần Minh Trung (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) kể mấy ngày nay, xe chở lợn nái thải lúc nào cũng đầy xe. Thậm chí có xe toàn là lợn đang động đực. Nhưng thường thì thương lái mua mão (mua đổ đồng) một con giá 1,5 – 2 triệu đồng, bằng 1/3 lúc trước nên nhiều hộ tiếc của không muốn bán.

Bản thân anh Trung đang giữ lại nuôi hết 10 con nái trong chuồng nhưng anh kiên quyết không thả đực. Anh cho biết: “Nếu thả đực mà lỗ tiền triệu thì nuôi làm gì. Đằng nào lợn cũng ăn mỗi ngày, vậy thì cứ cho ăn mà không cho nó đẻ”.

“Ăn” cả sổ đỏ

Theo ông Lã Văn Hùng, trong bối cảnh hiện nay, người nuôi phải tìm cách mọi cách giảm đàn để giải quyết khủng hoảng thừa. Dự báo, ít nhất phải tới cuối 2017, cung cầu mới cân đối. Tình trạng hiện tại sẽ khiến các hộ nuôi nhỏ lẻ phải ngừng vào đàn, chỉ còn các trang trại lớn là đủ sức tồn tại. 

Ông Nguyễn Văn Bàng ở xã Hàng Gòn (thị xã Long Khánh) kể đã lỗ hàng trăm triệu đồng từ cuối năm 2016 đến nay, buộc phải cầm sổ đỏ vay vốn ngân hàng duy trì đàn. Nhưng bây giờ vay vốn để nuôi lợn là cả một vấn đề vì khả năng trả nợ không khả thi.

Ông Bàng kể, không ít hộ đã đưa sổ đỏ vào ngân hàng, giờ phải kiếm tiền mặt để trả nợ, rút sổ ra rồi bán trại. Nhiều hộ chăn nuôi không đủ sức trả nợ còn bị đại lý cám siết lợn, siết sổ đỏ trại nuôi. “Tình trạng bi đát đến nỗi người dân nói đùa với nhau rằng giờ lợn không ăn cám mà chỉ ăn sổ đỏ” - ông Bàng nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Lã Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 phân tích, khi giá lợn còn ở mức hơn 40.000 đồng/kg, rất nhiều trại tăng đàn nái sinh sản, tuy nhiên giờ lợn con không ai mua. Lượng lợn ở các trang trại đẻ tới đâu thì giữ lại nuôi tới đấy. “Cái khó của trang trại là có thể nuôi lợn nái đẻ ra lợn con nhưng không thể đủ tiền mua cám nuôi lợn con thành lợn thịt” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hầu hết số tiền lời trước đó đã được chủ trại đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc tăng đàn. Đến khi lợn hơi giảm giá sâu thì bà con không còn tiền mặt chi trả. Đại lý cám khóa sổ không cho mua nợ. Nuôi thịt thì không đủ sức, tiền mặt không biết vay ở đâu. Trong khi đó, thị trường lợn hơi vẫn mù mịt, không ai dám bảo đảm khi nào giá sẽ lên, do đó các trang trại phải tìm mọi cách mua cám nuôi lợn con, đồng thời thải đàn lợn nái càng sớm càng tốt.

Ngay cả lợn sạch được nuôi theo quy trình VietGAHP, đầu ra cũng không khả quan hơn. Ông Trần Thiện Tri Ân- trưởng nhóm VietGAHP 1 ở xã Gia Tân 2 (Thống Nhất) cho biết việc mua bán theo hợp đồng với công ty thu mua hiện rất nhiêu khê, thường xuyên chậm trễ thanh toán cho dân. Lợn mua theo trọng lượng thỏa thuận, từ 90 – 110kg, vì vậy đối với lợn có cân nặng trên hoặc dưới mức này, giá càng giảm. Nhiều hộ dân không còn tha thiết mà bán thẳng cho thương lái. /.