Lợi nhuận của doanh nghiệp tăng thấp
Ông Phạm Quang Vinh – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Tổng số doanh nghiệp tính đến thời điểm 31.12.2016 là 477.808 doanh nghiệp, tăng 8% so với năm 2015. Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước năm 2016 đạt kỷ lục 110.100 , tăng 16,2% so với năm 2015. Riêng Trung du miền núi phía Bắc tăng 20,2%; Đồng bằng sông Cửu Long tăng 18,3%, Đông Nam Bộ tăng 15,4%.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký trên phạm vi cả nước cũng rất lớn là 19.917 doanh nghiệp, tăng 27,3% so với năm 2015.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, cả nước có 26.689 doanh nghiệp trở lại hoạt động năm 2016 sau một thời gian ngừng hoạt động. Ngoài ra, cả nước cũng có 12.478 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 31,8% so với năm 2015.
Tổng vốn thu hút và khu vực doanh nghiệp cả nước tại thời điểm 31.12.2015 đạt 23.656 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000 – 2015 mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút tăng thêm 22,8%. Năm 2015 tổng số doanh thu theo giá hiện hành của khu vực doanh nghiệp đạt 14.949. nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trong giai đoạn này cũng tăng 19%; đóng góp vào khối ngân sách Nhà nước của khu vực doanh nghiệp năm 2015 là 746.4 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2%.
Ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp giải thích: Lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng thấp là do hiện nay doanh nghiệp tăng nhanh về quy mô nhưng hiệu quả lại thấp so với nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Trong đó, trên 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần 60% số doanh nghiệp có dưới 10 lao động, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu.
Do đó, hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả chưa cao, tính không bền vững và lợi nhuận không cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, phản ánh tới sức khỏe của nền kinh tế. Liên quan tới đóng góp vào ngân sách Nhà nước tăng thấp hơn so với các chỉ tiêu khác, trong khi tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp chỉ 8%.
Ông Thúy cũng lý giải: “Trong giai đoạn 2010 – 2015 vẫn là giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, riêng năm 2015 mới là năm đầu thoát khỏi khủng hoảng. Do đó, hiệu quả thấp, tuy nhiên Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều biện pháp như giảm thuế và ra hạn thuế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp”, ông Thúy nói.
1 triệu doanh nghiệp là hoàn toàn khả thi
Trả lời câu hỏi về mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 liệu có khả thi, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Tổng thư ký Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: VCCI tinh rằng 2020 có thể đạt được 1 triệu doanh nghiệp bởi nhiều lý do: Thứ nhất hiện nay Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng đã gặp doanh nghiệp với khí thế mới, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Ngoài ra, Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng là “cú hích” quan trọng tháo bỏ rào cản đang cản trở doanh nghiệp phát triển. Ví dụ, vấn đề đóng thuế, đóng bảo hiểm, doanh nghiệp mất thời gian về thông quan, xuất nhập khẩu…
Bên cạnh đó, còn có Nghị quyết 35 nên chúng ta mong muốn quốc gia khởi nghiệp, biến ý tưởng khởi nghiệp trở thành dự án thành công, doanh nghiệp thành công… “Việc tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo nút thắng cho doanh nghiệp như hiện nay thì đến 2020, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp là hoàn toàn có thể đạt được”, ông Vinh nói.
Các đại biểu tại buổi họp báo
Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Long- Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp cho biết: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 04 thực hiện Nghị quyết 35 và đặt biệt là Nghị định 59, chuyển đổi 100% doanh nghiệp vốn nhà nước đã được trình lên Chính phủ để sửa đổi; Tôi cũng được biết, hiện Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chuẩn bị trình Quốc hội thông qua…
Do đó, cơ sở để đặc ra mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp tới 2020 là chuyển các hộ sản xuất kinh doanh thành doanh nghiệp. Mà doanh nghiệp vừa và nhỏ là chiếm 90%. “Chỉ cần giải quyết tốt nhất những vấn đề vướng nhất hiện nay là cơ chế chính sách, thuế và vốn là có thể chuyển đổi hộ sản xuất kinh doanh thành doanh nghiệp, từ đó có thể đạt được chỉ tiêu 1 triệu doanh nghiệp”, ông Long nói.
Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ có một cuộc gặp mặt lần thứ 2 đối với các doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ KHĐT để chuẩn bị thiết kế một cuộc gặp mặt này cho thật tốt. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đi các tỉnh để đánh giá, nhận xét tiêu chí đưa ra của Nghị quyết 35 để chuẩn bị cho cuộc gặp doanh nghiệp sắp tới thành công. |