Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia, Cao đẳng đường sắt tại Liên Xô. Anh trở về Nam Định gây dựng sự nghiệp và đạt được những thành tựu đáng nể. Nhận 6 bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam; Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, Huân chương Lao động hạng Ba… Nguyễn Thế Minh trở thành một cái tên đầy tự hào của Nam Định.
Nguyễn Thế Minh viết rất nhiều cho người lao động, những vần thơ của anh đọc lên làm rung cảm bao trái tim còn đang vất vả nắng mưa giữa cuộc sống bộn bề. Hình ảnh người công nhân trong thơ anh đầy nhiệt huyết hăng say công việc mà vẫn lãng mạn bay bổng theo từng tiếng máy reo.
“Khi mọi người chìm sâu vào giấc ngủ
Em vội vàng nhanh bước vào ca
Ngoài trời chỉ có ánh sao sa
Và vầng trăng soi đường thao thức.
Bước nhẹ nhàng vào ca sản xuất
Nhanh tay dệt những tấm khăn mềm
Lặng lẽ âm thầm ngọn đuốc đêm
Tiếng máy reo ngỡ như bản nhạc…”
(Ca đêm)
Công ty anh nắm “sinh mệnh” của cả ngàn người và gia đình họ, thơ của anh cũng là tiếng nói của người lao động. Anh là một trong số ít những nhà thơ viết nhiều về công nhân, màu áo thợ, thơ anh thấm từng giọt mồ hôi của những người lao động. Những vần thơ được chắt lọc từ tâm hồn đồng cảm ấy giống như chiếc khăn thấm từng giọt mồ hôi vất vả, như làn gió mát xoa dịu đi ngày nóng nực.
Cũng bởi trái tim yêu đời, yêu người mà anh được anh em bạn bè, đồng nghiệp và công nhân viên vô cùng yêu quý. Anh đặt mình vào những người lao động để thương và đồng cảm, chia sẻ và có những chế độ đãi ngộ riêng cho người chăm chỉ, hăng say.
Thơ là hơi thở của anh, là tình yêu của anh, là tất cả những gì mềm mại và lung linh huyền diệu nhất trong trái tim người đàn ông đã bôn ba qua nhiều xứ sở những năm dài tuổi trẻ. Nhà văn Chu Lai đã nói về thơ anh trong tập Tiếng vọng: “Hồn thơ bay lên từ lòng từ bi ân tạ đất trời, ân tạ cuộc đời cho nên nó thật. Thật như một lời rù rì tâm sự, một tiếng reo khe khẽ hay một tiếng thở dài êm nhẹ, như một điều giãi bày hiền lành đang xôn xao chất chứa ở trong lòng. Như thể anh không cố ý làm thơ… Đó là những cảm xúc rất đỗi đời thường, gần gũi về cha mẹ, gia đình, tình yêu, đất nước, người thợ, bạn bè, đồng nghiệp. Ngay cả đến những cái tưởng chừng như giản đơn người ta dễ bỏ qua nhưng với anh, một tia nắng trên sông, một làn gió chạy dọc phố, một ngõ vắng, một hàng cây, một mầm nụ đang nhú, một bóng hình ai đi qua mà sao cứ vương lại cái dư âm dịu ngọt thế này, một mái chùa thoảng vẳng tiếng chuông thu không, một cánh cò bay qua mặt lúa, một tiếng còi tầm trong công xưởng, một cánh đồng, một triền đê, một đêm rằm trung thu lãng đãng khói nhang, một tiếng rao đêm buồn nẫu nuột, một chiều mưa, một sớm nắng mùa đông, một dáng hình thôn nữ nhìn mà xao xuyến… Nhiều lắm, miên man. Tất cả như những lớp sóng cứ vô hồi vô hạn ùa vào…”
Doanh nhân thành đạt được gắn liền với thương hiệu nổi tiếng về sản xuất bông sợi đất dệt Thành Nam Nguyễn Thế Minh bỗng hóa thân thành một con người khác, dịu dàng, nhạy cảm và tha thiết trong từng vần thơ. Nồng nàn bạch dương là tập thơ gồm 93 bài thơ chọn lọc trong mấy trăm sáng tác của Nguyễn Thế Minh.
Tập thơ được chia làm 6 chủ đề: Những chuyến đi, du lịch, bốn mùa, quê hương, tình yêu, tự sự. Tập thơ kể về những năm tháng xa quê hương bôn ba nơi đất khách quê người. Dấu ấn đậm sâu nhất là nước Nga, những hàng bạch dương thẳng tắp và vàng rực lên trong nắng xứ người. Để rồi trở thành những vần thơ tha thiết ấm áp yêu thương tròn đầy và luôn ám ảnh nỗi nhớ thương không nguôi. Đọc “Nồng nàn bạch dương”, hiểu thêm vì sao nước Nga lại đẹp đến thế trong lòng những người đã từng đặt chân đến đất nước này, vì sao bạch dương lại trở thành một trong những biểu tượng cảm xúc và tâm tưởng của nhiều người yêu mến nước Nga.
“Tôi yêu nước Nga yêu đến mức dại khờ
Mênh mông phố xá ngàn bông hoa rơi tuyết
Nặng trĩu cỏ cây, áo trời trắng muốt
Lang thang ngoài đường lạnh cóng đôi chân...”
(Hoa tuyết)
Nước Nga trong thơ Nguyễn Thế Minh đẹp lộng lẫy và kiêu hãnh. Cuộc đời là những chuyến đi, là những cuộc hành trình tìm kiếm cơ hội và mở rộng khối óc, con tim. Mỗi một nơi đi qua để lại biết bao dấu ấn trong đời, những cảm xúc khó gọi được thành tên. Những cảm xúc gói lại trong thơ, một sớm mai ra nảy mầm đơm nụ, gọi tên bằng tất cả nồng nàn…
Mỗi nơi mà anh đặt chân đến đều để lại trong anh những dấu ấn khó phai mờ. Trái tim thi nhân đã run lên những vần thơ đắm đuối và giàu hình ảnh. Nguyễn Thế Minh viết thơ cho quê hương đầy giai điệu và mênh mang. Anh viết thơ tình cũng rất ngọt ngào và để lại nhiều dư vị nhớ nhung. Đọc thơ Nguyễn Thế Minh, biết rằng anh đa cảm, anh thương những người phụ nữ gặp nhiều đau khổ truân chuyên trong đời. Anh nâng niu những cành hoa như sợ mình lỡ tay làm rụng mất, anh sợ cả khi anh không thể mang lại nụ cười cho một người nào đó anh thương…
Nhà thơ Nguyễn Thế Minh yêu quê hương Thành Nam tha thiết. Tình yêu ấy được thể hiện trong rất nhiều sáng tác. Tập thơ Hương sắc không lời gồm 113 bài thơ mang chủ đề quê hương, tình bạn, công việc, gia đình, tình yêu, bốn mùa, tết và tự sự. Thơ Nguyễn Thế Minh có giai điệu sẵn trong câu từ. Bởi thế mà anh là một trong số ít những nhà thơ được nhạc sỹ phổ nhạc nhiều.
Hai tập thơ mang thông điệp của yêu thương và chia sẻ. Nhắc ai đó hãy sống chậm lại, yêu thương chính bản thân nhiều hơn và làm những điều ý nghĩa.