Dân Việt

Điều tàu chiến tới Triều Tiên, Trump muốn che giấu điều này

Phương Đăng 11/04/2017 16:26 GMT+7
Quyết định điều tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson tới vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donlad Trump đang thổi bùng căng thẳng khắp Đông Á. Tuy nhiên, giới quan sát bình luận, quyết định trên được đưa ra nhằm che giấu sự thật rằng, chính quyền Trump chưa chọn được giải pháp tốt để xử lý Triều Tiên.

img

Việc Tổng thống Mỹ Donlad Trump điều tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên đang thổi bùng căng thẳng khắp Đông Á

Trong suốt chuyến thăm Mỹ vào tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không hề đưa ra bất kỳ cam kết công khai nào liên quan đến việc thắt chặt áp lực lên Triều Tiên trong các cuộc hội đàm với ông Trump ở Palm Beach, Florida. Ngay cả khi tiếp xúc riêng tư, theo các quan chức Mỹ, ông Tập cũng tỏ ra rất thận trọng. 

Trong khi đó, rõ ràng một cuộc tấn công vào Triều Tiên là hành động liều lĩnh và đặt ra nhiều nguy cơ hơn việc dội bão lửa vào Syria nhằm dằn mặt Tổng thống  Bashar Assad hồi tuần trước.   Điều này khiến Nhà Trắng mắc kẹt trong một vấn đề an ninh mà ông Trump đã nhiều lần nhắc đến trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Mỹ. Ngay trước khi gặp ông Tập, ông Trump thậm chí đã cảnh báo rằng, Mỹ sẽ đơn phương hành động chống lại Triều Tiên nếu Trung Quốc "làm ngơ".

Một quan chức trong nội các của Trump tiết lộ rằng, những tuyên bố cứng rắn như vậy sẽ gây áp lực cho Trung Quốc, buộc nước này phải hành động.

Tuy nhiên, việc ông Trump ra lệnh tấn công Syria trong khi đang ăn tối với ông Tập có thể gia tăng lo ngại của Bắc Kinh rằng, Tổng thống Mỹ thứ 45 là người có tính khí thất thường và khó đoán.

Theo đó, Bắc Kinh sẽ "cân nhắc" hết sức thận trọng về việc hỗ trợ Mỹ ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Thiếu đi sự hợp tác của Trung Quốc, Mỹ tỏ ra lúng túng rõ ràng trong việc chọn một giải pháp để ngăn Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân đến mức phải áp dụng lại chiến thuật cũ của chính quyền tiền nhiệm.

img

Tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson được Mỹ triểu khai tới bán đảo Triều Tiên

Trước Trump, cựu Tổng thống Barack Obama từng ra lệnh cho tàu sân bay USS George Washington tới biển Hoàng Hải 2 lần để "dằn mặt" cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, bố của ông Kim Jong-un nhưng cũng không thể khiến nước này thay đổi hành vi.

Bình luận về việc điều tàu sân bay tới bán đảo Triều Tiên của chính quyền Trump, Jeffrey A. Bader, cố vấn về Trung Quốc của ông Obama nhận định: "Động thái đó lại được lặp lại lần nữa. Họ đã tuyên bố về một cách tiếp cận mới, nhưng cuối cùng họ nhận ra rằng, các phương pháp tiếp cận mới không đặc biệt hấp dẫn".

Hiện giới quan sát cũng cho rằng, Nhà Trắng có thể theo đuổi các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhắm vào các công ty và ngân hàng Trung Quốc có liên hệ với Triều Tiên. Câu hỏi đặt ra là, liệu Bắc Kinh có hợp tác với nỗ lực này và nếu không, liệu Trung có bất chấp mối quan hệ với Trung Quốc mà áp dụng chế tài đơn phương để trừng phạt chế độ Kim Jong-un hay không. Trong những tuần gần đây, các phụ tá của Trump cảnh báo rằng họ không loại trừ "lựa chọn quân sự" để chống lại Triều Tiên.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tuyên bố, vụ oanh tạc của Mỹ vào Syria là dấu hiệu cho các nước khác thấy rằng "nếu họ đặt ra nguy hiểm, Mỹ sẽ có phản ứng đáp trả".

Tuy nhiên, các nhà phân tích và các quan chức ở Hàn Quốc lo sợ rằng, nếu Mỹ phát động một cuộc tấn công phủ đầu vào Triều Tiên, nước này sẽ tấn công trả đũa thảm khốc và khởi động một cuộc chiến tranh toàn diện. Seoul nằm trong phạm vi của pháo binh và tên lửa Triều Tiên được bố trí dày đặc dọc theo biên giới 2 nước.

Các nhà hoạch định quân sự ở Lầu Năm góc cũng nhận thức được mối quan ngại đó. Ông Derek Chollet, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh quốc tế bình luận: "Trong khi quân đội chú trọng vào việc duy trì khả năng ngăn chặn mạnh mẽ trên bán đảo, thì họ cũng nhận thức sâu sắc về sự nguy hiểm của việc leo thang căng thẳng".

Nguy cơ leo thang tại Syria thấp hơn, ông Chollet chia sẻ, do Tổng thống Assad không mạnh như nhà lãnh đạo Kim và không có vũ khí hủy diệt hàng loạt.

"Việc Triều Tiên có vũ trang hạt nhân đặt ra một câu chuyện khác," ông Chollet bình luận.  

Tại Hàn Quốc, viễn cảnh của một tấn công phủ đầu Triều Tiên từ lâu đã bị cho là không thực tế. Nhưng theo ông Cheong Seong Chang, một nhà phân tích của Học viện Sejong quan ngại cho rằng: "Dưới thời Tổng thống Trump, chúng tôi sợ rằng điều này có thể không tôn tại nữa".