Một trại lợn được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP tại Đồng Nai.
Dự án chưa hoàn thiện
Dự án Lifsap Đồng Nai đang thực hiện tại 3 huyện huyện Thống Nhất, Long Khánh, Xuân Lộc. Tính đến nay, dự án đã có 23/66 THT đạt chứng nhận VietGAHP với 402 hộ và tổng đàn 31.622 con. Vấn đề đặt ra hiện nay là giá bán heo hơi theo tiêu chuẩn VietGAHP không khả quan hơn heo nuôi bình thường.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Lifsap tỉnh, quá trình vận hành và đầu ra sản phẩm mà các chuỗi đã thực hiện trước đây còn nhiều hạn chế trong quá trình thu mua, phương thức thanh toán, dẫn đến nhiều nông hộ không mặn mà với hợp đồng bao tiêu.
“Tìm thêm doanh nghiệp tiêu thụ để đảm bảo đầu ra cho nông dân chăn nuôi heo GAHP là động lực để tiến tới buổi ký kết tiêu thụ sản phẩm ngày hôm nay”, bà Hoài nói.
Trước lúc khai mạc hội nghị, ông Trần Hữu Trung, tổ trưởng tổ VietGAHP 2 (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) tỏ ra nghi ngờ: “Những nhiêu khê trước đó khi nông dân ký hợp đồng với công ty Anh Hoàng Thi (Biên Hòa) đã khiến nhiều người ngao ngán”.
Bước vào buổi thảo luận, ông Đỗ Hữu Trí, Trưởng phòng thu mua thực phẩm tươi sống MM khẳng định quan điểm, mua heo GAHP từ trang trại sẽ đảm bảo chất lượng hơn và dễ dàng hơn nhưng ưu tiên của công ty là các nông hộ nhỏ lẻ.
Theo đó, công ty MM sẽ tiến hành thu mua qua khâu trung gian là công ty Thy Thọ (lò giết mổ tại huyện Long Khánh). Thy Thọ sẽ trực tiếp ký hợp đồng thu heo với từng THT. Trước đó, công ty MM sẽ tiến hành khảo sát, kiểm định chất lượng heo tại vùng chăn nuôi.
“Mỗi năm, Công ty trên dưới 3.000 tấn thành phẩm. Mục tiêu tăng gấp đôi nhưng thực tế, người nuôi heo VietGAHP ở Đồng Nai chưa nhiều, nhiều nông hộ chưa đảm bảo heo của mình 100% GAHP”, ông Trí nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Giám đốc công ty Thy Thọ tin tưởng chuỗi này sẽ thành công vì Thy Thọ sẽ tham gia với vai trò là trung gian, nguồn hàng đã có sẵn từ nông hộ, khâu kiểm định chất lượng đã có MM, và cả lò mổ cũng kiểm tra sơ bộ. Tuy nhiên, chính ông Thọ cũng thừa nhận hiện lò mổ vẫn còn một số hạn chế về cơ sở hạ tầng, khó đảm bảo hoàn thành vào cuối tháng 4 này như dự kiến.
Khác với hợp đồng trước, hợp đồng lần này với MM, THT sẽ được tham khảo giá các bên liên quan, đề xuất mức giá thu mua đối với MM để thực hiện đấu thầu. Thy Thọ sẽ thanh toán tiền mặt trực tiếp với THT (ở khả năng cho phép) trong thời gian tối đa 3 ngày công nợ.
Ông Trần Đức Vang, hộ chăn nuôi heo ở tổ VietGAHP 2, xã Bảo Vinh (huyện Long Khánh) hi vọng: “chuỗi kết nối lần này sẽ tốt hơn các lần trước”.
Căng thẳng phút thỏa thuận hợp đồng
Đến phần hỏi đáp trực tiếp cũng là phần quan trọng nhất của hội nghị, bầu không khí căng thẳng cả khán phòng. Câu hỏi của các đại biểu đều xuất phát từ vướng mắc đã gặp trước đó.
Đại điện đến từ huyện Xuân Lộc hỏi: mức trọng lượng tối ưu quy định từ 90 – 107kg là loại A. Vậy những con loại B, C, D… giá giảm bao nhiêu, tính như thế nào? Vì thực tế, heo cùng nhập, cùng nuôi, cùng xuất nhưng mức độ đồng đều cả đàn khó đạt tỷ lệ cao. MM nên cho 1 giá thống nhất để nông dân dễ bán.
Ông Đỗ Hữu Trí cho biết quy trình GAHP là nuôi đạt chuẩn cả đàn đều nhau. MM sẽ chấp nhận chênh lệch ở tỷ lệ nào đó. Nhưng căn bản người nuôi cần phải cải thiện từ chất lượng giống đến quy trình nuôi. Một lần nữa ông Trí nhắc lại heo tại nông hộ hiện chưa đạt chuẩn GAHP hoàn toàn.
Cuộc họp diễn ra hết sức căng thẳng.
Không đồng ý khi bị so sánh, ông Trần Hữu Trung bức xúc heo nuôi ở nông hộ không thể bì được với heo của các trại lớn hoặc của công ty. Tiếp đó, ông Trung đặt vấn đề, làm sao đảm bảo heo ra khỏi chuồng nuôi của nông hộ sẽ an toàn vì đơn vị thu mua sẽ gom hàng từ nhiều đầu mối khác nhau.
Vấn đề này, MM cho biết sẽ có quà trình kiểm tra nhanh tại chuồng nuôi, công ty Thy Thọ cũng có trách nhiệm. Người nuôi yên tâm vì quá trình kiểm định kỹ trước đó và truy suất nguồn gốc được cập nhật liên tục.
Rất nhiều câu hỏi khác cũng được các đại biểu muốn trình bày nhưng thời gian hỏi đáp không còn. Buổi thảo luận kết thúc bằng việc ký kết hợp đồng giữa công ty MM và Thy Thọ, giữa Thy Thọ và các THT.
Hội nghị kết thúc nhưng nhiều đại biểu tỏ ra chưa tâm phục. Đến từ tổ chăn nuôi Phú Mỹ (xã Xuân Lộc, huyện Long Khánh), ông Huỳnh Tấn Chữ nói: “Các bên đại diện thực hiện ký kết mà tôi vẫn chưa được đọc hợp đồng”.
Ông Trần Hữu Trung trấn an: “Vấn đề vẫn là ký kết trên cơ sở thỏa thuận giá chứ không hề ràng buộc nhau về mức giá, số lượng và thời lượng cố định. “Vấn đề là làm sao chia sẻ được lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi thì hợp tác mới lâu bền. Nếu không thỏa thuận được, cũng giống như trường hợp Anh Hoàng Thi trước đây” ông Trung nói.
Đại diện công ty MM và Thy Thọ ký kết hợp đồng
Kết thúc hội nghị, ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc sở NNPTNT Đồng Nai cho rằng quá trình chăn nuôi heo VietGAHP đã hoàn thành mục tiêu cơ bản. Các bên liên quan cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa. |