Dân Việt

Chết lặng những vụ trẻ tử vong do ngã vào chậu nước

Diệu Thu (Tổng hợp) 13/04/2017 21:15 GMT+7
Vội bế con ra, người cha chết lặng khi cháu đã tím tái do ngã chúi đầu vào chậu nước ở ngay trong nhà.

img

Kiểm tra đường thở là một bước quan trọng để sơ cứu trẻ bị đuối nước

Đầu chúi vào thau nước, bé 10 tháng tuổi tử vong

Ngày 13/4, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin về trường hợp bé gái hơn 10 tháng tuổi tử vong thương tâm do sự bất cẩn của người lớn.

Trước đó, ngày 10/4, bệnh viện tiếp nhận một bé gái hơn 10 tháng tuổi (quê Sóc Trăng) từ Bệnh viện huyện Hóc Môn chuyển lên trong tình trạng cơ thể tím tái, phải bóp bóng thở.

Trong lúc người cha nằm ngủ trưa, cháu lân la chơi một mình. Khi tỉnh giấc, anh không thấy con trong phòng, vội đi tìm thì tá hỏa phát hiện bé đang nằm sấp mặt vào thau nước trong nhà tắm.

Vội bế con ra, người cha chết lặng khi cháu đã tím tái. Sau nỗ lực nhấn tim, thổi ngạt, tình trạng tím tái của cháu không cải thiện nên gia đình chuyển bé đến Bệnh viện huyện cấp cứu. Gần 30 phút hồi sức tim phổi, các bác sĩ mới giúp bé có nhịp tim trở lại, khẩn cấp chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Khi đến BV Nhi Đồng 1, bé gái đã được đặt khí quản có hồi sức nhưng vì quá muộn nên mọi biện pháp cứu chữa không còn tác dụng. Bệnh nhi bị thiếu oxy não, phổi tổn thương nặng và tử vong.

Ngã vào xô nước, bé 17 tháng tuổi chết thương tâm

Ngày 8/3, Bệnh viện Nhi Đồng tiếp nhận một bệnh nhi 17 tháng tuổi (ở Bình Chánh – TPHCM), trong tình trạng bị ngạt nước.

Khi vào viện, cháu bé đã ngừng thở, ngừng tim, giãn đồng tử, suy mạch, hôn mê sâu… Dù các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do thời gian ngưng tim quá lâu, bé đã chết não và tử vong sau đó.

BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, theo người nhà cháu bé, trong lúc người lớn không để ý, bé đã đi vòng ra phía sau nhà, thấy xô nước để đó, do tò mò nên cố với lên và bị chúi đầu vào phía trong.

Sau khi không thấy con, gia đình mới chạy vòng quanh nhà tìm, khi vớt lên khỏi xô nước thì cháu bé đã tím tái. Ngay lập tức gia đình đưa bé đi cấp cứu, quên làm các biện pháp sơ cứu ban đầu. Sau 10 phút thì bé chết não.

Bé 13 tháng tuổi bất động, chết trong chậu nước

Vụ việc xảy ra vào chiều 9/9/2016, tại một căn phòng trọ ở khu vực cầu vượt Sóng Thần (đoạn giáp ranh giữa quận Thủ Đức, TP.HCM và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Nạn nhân được xác định là bé gái L.H.Y (13 tháng tuổi).

img

Người thân nạn nhân gào khóc trước cái chết tức tưởi của bé 13 tháng

Vào đầu giờ chiều hôm nay, bé Y. được mẹ cho chơi trong phòng trọ nhưng không may bé bị té vào chậu đầy nước. Khi phát hiện sự việc, gia đình tức tốc đưa bé vào Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu nhưng qua kiểm tra, các bác sĩ xác định nạn nhân đã ngưng tim, ngưng thở trước đó. Dù tích cực hồi sức nhưng bé Y. không qua khỏi.

BS Tấn Phương cảnh báo, trường hợp tử vong nêu trên không phải ca đầu tiên mà đã có rất nhiều trẻ gặp phải tai nạn tương tự. Chính sự chủ quan của phụ huynh khi để các vật dụng chứa nước như xô, chậu trong nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp, vô tình trở thành cái bẫy đối với trẻ.

Mặt khác, tai nạn đuối nước ở trẻ khi đi tắm sông - suối - ao - hồ; tai nạn do té từ cây cao, bị ong chích; bỏng lửa, bỏng nước sôi... cũng rất phổ biến vào mùa nắng nóng đặc biệt là thời điểm trẻ nghỉ hè.

Trẻ bị đuối nước cần sơ cứu qua 4 bước sau:

Bước 1

Khai thông đường thở: Dùng gạc hay khăn vải móc đất, bùn, đờm dãi (nếu có) ra khỏi miệng để thông thoát đường thở vùng miệng trẻ.

Bước 2

Kiểm tra sự thở: Người cứu nạn áp tai mình vào mũi trẻ đồng thời mắt nhìn quan sát sự di động của lồng ngực để kiểm tra trẻ còn thở hay không. Nếu trẻ còn tự thở (nghe được hơi thở và thấy sự di động của lồng ngực) đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng an toàn để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói.

Nếu không nghe thấy hơi thở, lồng ngực không di động, tức nạn nhân ngừng thở, hãy  hồi sinh tim phổi (thổi ngạt và ép tim) cho nạn nhân.

Bước 3

Hồi sinh tim phổi: Người sơ cứu dùng 2 ngón tay bịt chặt mũi trẻ lại, áp miệng vào miệng trẻ thổi vào trong khoảng 2 giây, thổi 2 lần liên tiếp. Sau đó nhanh chóng tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ở 1/3 dưới của xương ức. Đối với trẻ tử 1 đến 8 tuổi, dùng một tay ấn sâu 3-4 cm; trẻ từ 0-12 tháng tuổi dùng 2 ngón tay sâu xuống 1- 2 cm.

Bước 4

Nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế: Ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu, vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước. Trong quá trình vận chuyển phải tiếp tục các biện pháp sơ cứu (nếu cần) và đảm bảo sưởi ấm hoặc ủ ấm cho nạn nhân.