Trump có thể cứu thế giới khỏi chiến tranh hạt nhân? (Ảnh minh họa)
Giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng tại bán đảo Triều Tiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng vừa đăng tải một bài phân tích với tiêu đề: “Liệu phong cách doanh nhân mạnh bạo của Trump có thể giúp chúng ta thoát khỏi nguy cơ chiến tranh hạt nhân?”
Tổng thống Donald Trump từng viết trên Twitter: "Triều Tiên đang tự tìm rắc rối. Nếu Trung Quốc quyết định giúp đỡ giải quyết vấn đề Triều Tiên, điều đó sẽ rất tuyệt. Nếu không, chúng tôi sẽ tự quyết mà không cần tới họ”.
Nguy cơ bất ổn và bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có lẽ là lá bài khó đoán của năm 2017, có thể gây ra sự hỗn loạn đối với thị trường và nền kinh tế toàn cầu.
Với mỗi lần thử nghiệm vũ khí, Triều Tiên lại tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể đe dọa đất liền Mỹ. Trump đã tuyên bố Mỹ sẵn sàng hành động quân sự để ngăn chặn điều này.
Nguy cơ bất ổn và bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có lẽ là lá bài khó đoán của năm 2017
Tuy Mỹ chắc chắn đã gửi một thông điệp rõ ràng khi bắn 59 tên lửa đến căn cứ không quân Syria, Mỹ lại có ít lựa chọn hơn khi nhắc tới tấn công Triều Tiên - nơi có loạt bệ phóng tên lửa và pháo binh có thể san phẳng Seoul với dân số 10 triệu người.
Do đó, Trump và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ phải đối mặt với điều mà ít doanh nhân thành công nào gặp phải: tình trạng tiến thoái lưỡng nạn trong các vấn đề an ninh quốc gia.
Những cam kết và hành động của Trump gần đây có thể gây ra một chuyển biến lớn trong tình hình thế giới – thành công hoặc bi kịch.
Với những người luôn tìm kiếm hiệu quả như doanh nhân Trump và Tillerson, ngoại giao trong khó khăn hay những kết quả mơ hồ sẽ làm họ khó chịu.
Đàm phán, thay vì hành động tức thời, có thể gây khó chịu với những doanh nhân, nhưng lại là công cụ cần thiết để tạo ra một cuộc đối thoại có ý nghĩa với Triều Tiên. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đó hiện nay không tồn tại.
Tuy Mỹ chắc chắn đã gửi một thông điệp rõ ràng khi bắn 59 tên lửa đến căn cứ không quân Syria, Mỹ lại có ít lựa chọn hơn khi nhắc tới tấn công Triều Tiên
Trump tự hào mình là con người của hành động. Ông dường như không phải là người thận trọng về mặt trí tuệ hoặc phân tích lịch sử. Tuy nhiên, ông vẫn rất cẩn thận để các hành động không vượt tầm kiểm soát.
Các quyết định liên quan đến an ninh quốc gia khác hẳn các quyết định trong kinh doanh, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng viết. Trong kinh doanh, sau một quyết định sai lầm, bạn vẫn có thể học hỏi từ đó và hồi phục.
Thế nhưng với an ninh quốc gia, một số sai lầm có thể trở thành thảm khốc, không thể phục hồi và tàn phá cả một quốc gia. Tuy nhiên, các quyết định khó khăn vẫn cần được đưa ra, vì những người không đưa ra quyết định sẽ tạo ra “quyền lực chân không”.
Trong kinh doanh, đàm phán là cần thiết với những đối tác cứng đầu. Thế nhưng, trong quan hệ với Triều Tiên, quy tắc trên dường như không được áp dụng.
Trump và Tillerson sẽ cần các kỹ năng ngoại giao giải tỏa căng thẳng nếu muốn "cứu thế giới"
Cho đến nay, cựu cầu thủ bóng rổ Mỹ Dennis Rodman, người được cho là bạn của Kim Jong-un, là người Mỹ nổi tiếng nhất được gặp lãnh đạo Triều Tiên từ năm 2013.
Một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhận định chuyến đi của Rodman đến Triều Tiên tuy kỳ lạ nhưng đã đưa ra bức tranh chi tiết nhất mà người Mỹ có được về một trong những nhà lãnh đạo kín đáo nhất thế giới.
Stephen Ganyard, cựu quan chức Bộ Ngoại giao, nói tại thời điểm đó: “Không có ai ở CIA có thể kể về Kim Jong Un nhiều hơn Dennis Rodman. Và điều này thực sự đáng lo ngại".
Trump và Tillerson sẽ cần các kỹ năng giống như Kissinger - cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ sinh năm 1923. Ông Kissinger nổi tiếng với chính sách ngoại giao nhằm giải tỏa bớt mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô thời đó, nối lại quan hệ Mỹ và Trung Quốc, đàm phán tại Hiệp định Paris, kết thúc sự có mặt của Mỹ tại Chiến tranh Việt Nam.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định chính quyền Trump có lẽ cần có những kỹ năng tương tự để tạo ra một điểm tựa và cân bằng quyền lực với Trung Quốc, nhằm đưa Triều Tiên vào một vị trí hợp lý hơn. Nếu không, thế giới có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng là một doanh nhân giống Tổng thống Mỹ Trump
Trong khi nhiều người Mỹ tự hỏi liệu một doanh nhân bất động sản như ông Trump có thể điều hành chính phủ hay không, thế giới đang hy vọng ông có thể cứu nhân loại khỏi bờ vực của cuộc đối đầu hạt nhân.
Ông Trump có thể đang rơi vào cái bẫy tìm kiếm chiến thắng hoặc kết quả tức thời. Tuy nhiên, điều này sẽ đưa ông tới một vũng lầy không thể thoát ra trong thế giới của an ninh quốc gia.
Bài đăng trên Twitter của ông Trump cho thấy ông có thể hành động và dự kiến sẽ có một cuộc chiến ngắn với hậu quả hạn chế.
Thế giới đang hy vọng ông có thể cứu nhân loại khỏi bờ vực của cuộc đối đầu hạt nhân
Chiến tranh ngắn - một chiến thắng nhanh chóng - có thể là mục tiêu của Trump sau cuộc tấn công Syria khi ông xem xét tổn hại kinh tế của một cuộc chiến tranh lâu dài.
Tuy nhiên, chiến tranh ngắn dường như chỉ là sự bắt đầu, như lịch sử đã chứng minh. Cựu Hoàng đế Đức Kaiser Wilhelm II từng nói với đoàn quân khởi hành vào tháng 8.1914, giai đoạn đầu của Thế chiến 1: "Bạn sẽ được về nhà trước khi những chiếc lá trên cây rơi xuống."
Trong Thế chiến 2, một sĩ quan Đức rời khỏi Mặt trận phía Tây cho biết ông dự kiến sẽ ăn sáng tại quán cà phê ở Paris sau khi trở về. Các sĩ quan Nga dự kiến sẽ ở Berlin cùng thời gian. Nhưng không ai trong số họ thực hiện được kế hoạch của mình.
Giống thời đó, những sai lầm mang tính quyết định của các nhà lãnh đạo lớn sẽ khiến sự kiện lớn xảy ra và không thể “bấm nút” quay lại. Những quyết định sai lầm này có thể khiến các quốc gia đối lập mắc kẹt trong một cái bẫy không có lối thoát, như lịch sử đã chứng minh.
Nếu nhìn lại thật kỹ, có thể nhận thấy ý kiến của Trump về nhiều vấn đề như Nga và Syria đã thay đổi 180 độ.