Dân Việt

Quyết thử hạt nhân, Triều Tiên muốn "mặc cả" thẳng với Mỹ?

Đăng Nguyễn - SCMP 14/04/2017 18:15 GMT+7
Bằng cách mở rộng quy mô và kích thước các vụ thử hạt nhân, Triều Tiên có thể muốn khiến cho Mỹ chú ý, hướng đến cuộc đối thoại trực tiếp, hơn là thông qua các quốc gia khác.

img

Triều Tiên không từ bỏ việc tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), gần như tất cả các nhà khoa học đều đồng ý rằng, thử hạt nhân trên đất liền, hoặc ngầm dưới lòng đất ngày nay là không cần thiết. Hoạt động thử nghiệm này có thể dễ dàng mô phỏng thông qua chương trình máy tính.

Việc sử dụng trí thông minh nhân tạo để tính toán khả năng công phá của bom hạt nhân là cần thiết, nhưng dường như Triều Tiên không quá quan tâm, ngay cả khi Bình Nhưỡng có sở hữu siêu máy tính.

Jennifer Lind, chuyên gia về châu Á tại Đại học Dartmouth nhận định, trong hàng thập kỷ qua, Triều Tiên đã trở nên rất khó lường. Đây được coi là công cụ rất hợp lý để bù đắp cho sự yếu kém và quân sự và chiến lược.

Khi Bắc Kinh khôi phục quan hệ với Seoul năm 1993, Bình Nhưỡng đã cảm thấy rất sốc. Triều Tiên không chỉ bị bỏ rơi vì Liên Xô sụp đổ, mà còn cả sự thờ ơ của người hàng xóm Trung Quốc. Đến ngày nay, nỗi lo sợ này vẫn hiện hữu, đặc biệt khi Trung Quốc nhập khẩu 80% lượng than đá từ Triều Tiên.

Bằng cách công khai thử nghiệm vũ khí hạt nhân, chứng minh khả năng tấn công hạt nhân ở mọi nơi, mọi lúc, Triều Tiên có một phương pháp răn đe hiệu quả.

img

Liệu ông Trump có sẵn sàng đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un?

Không ai dám động tới Triều Tiên vì lo ngại Seoul, Tokyo hay thậm chí là trung tâm chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ ở Honululu bị tấn công.

Lý do Mỹ đưa tàu sân bay hạt nhân USS Carl Vinson đến bán đảo Triều Tiên thực tế là để củng cố chiến lược răn đe, trong bối cảnh sức tấn công hạt nhân Triều Tiên đang ngày càng mở rộng đến đảo Guam, Los Angeles và San Francisco.

Với tốc độ này, nếu Triều Tiên không bị ngăn chặn, nguy cơ Bình Nhưỡng xung đột trực tiếp với Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc là điều khó tránh khỏi.

Theo SCMP, Triều Tiên không hề mong muốn chiến tranh, nước này muốn đạt thỏa thuận không gây hấn với Mỹ. Điều này đã được đặt trên bàn đàm phán ở Triều Tiên trong 2 thập kỷ qua. Và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng không phải ngoại lệ.

Thỏa thuận không gây hấn có thể tiến triển dẫn đến khả năng dỡ bỏ cấm vận kinh tế. Theo SCMP, nếu Bình Nhưỡng và Washington có thể vượt qua những rào cản, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ lắng dịu.

img

Ông Kim chưa từng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền.

SCMP phân tích, mọi nỗ lực vô hiệu hóa chương trình hạt nhân Triều Tiên là không thực tế.  Tổ chức Phát triển Năng lượng Bán đảo Triều Tiên (KEDO), chương trình do cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton thông qua năm 1995, đã gián tiếp cung cấp cho Triều Tiên cách thức tạo ra nguồn năng lượng hạt nhân.

Bằng cách theo đuổi chính sách cứng rắn, Triều Tiên đã khiến mọi quốc gia phải lắng nghe, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với việc đánh giá Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng, ông Trump đã biến Bình Nhưỡng trở thành mối nguy hiểm thường trực.

SCMP nhận định, Mỹ đưa hạm đội tàu chiến đến bán đảo Triều Tiên không khiến Bình Nhưỡng nhượng bộ. Thậm chí, hành động này còn khiến Triều Tiên sẵn sàng “chỉ tay vào mặt” Mỹ và các nước khác.

Trung Quốc không hề sai khi nói đàm phán là cách duy nhất giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng liệu có khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ? Liệu Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, và Hàn Quốc có sẵn sàng đứng sang một bên?

SCMP kết luận, Triều Tiên đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, để có thể đối thoại với Mỹ một cách trực tiếp, thông qua việc mở rộng quy mô phát triển hạt nhân.

TQ nêu điều kiện bảo vệ Triều Tiên nếu Mỹ nã tên lửa

Trung Quốc không có nghĩa vụ bảo vệ Triều Tiên nếu như Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển hạt nhân, vì điều này vi phạm...