Để hiểu rõ hơn về quyết định giải tán cơ sở khám, chữa bệnh bằng nước bọt trái phép của Quàng Văn Hải, người dân tộc Thái ở bản Ót Nọi, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La (Dân Việt đã đưa tin), PV đã tìm cách tiếp cận nhà của người được bà con xưng tụng là “thần y” dù mới ở độ tuổi 9X.
Nơi treo lịch khám chữa bệnh, nay đã được dỡ bỏ, không còn treo nữa.
Để đảm bảo an toàn cho hoạt động khám chữa bệnh trái phép cũng như “đánh bóng tên tuổi của cơ sở khám chữa bệnh”, Hải đã thuê chính trưởng bản Quàng Văn Am làm người bán vé, xếp lịch khám chữa bệnh.
Do đó, người bệnh rất an tâm khi thấy trưởng bản là người trực tiếp tiếp xúc, xếp lịch cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và chuyển những thỉnh cầu của người bệnh đến với “thần y Quàng Văn Hải”.
Quan sát khắp nhà Hải, ngoài chiếc tivi cũ và cái tủ gỗ, không hề có các thiết bị khám, chữa bệnh hay tủ thuốc như một cơ sở y tế hay một quầy dược. Hải cho biết: Chỉ tính từ tháng 1 đến nay, Hải đã khám và chữa bệnh cho khoảng 3.000 người ở trong và ngoài tỉnh; gồm nhiều dân tộc khác nhau nhưng chủ yếu là người Thái, Khơ Mú, Sinh Mun… Mặc dù khẳng định rằng có người được chữa khỏi bệnh, nhưng Hải không thể cung cấp được thông tin về địa chỉ những người bệnh đó.
Phương pháp của Hải là chọn cách khám chữa bệnh không dùng thuốc. Cách này giúp người bệnh có tâm lý thoải mái hơn so với phải dùng các toa thuốc đúng liều lượng hoặc phải tiêm.
Ngôi nhà của gia đình ông Quàng Văn Hải nằm trên đỉnh đồi, xung quanh là vườn cà phê và cây ăn quả của gia đình ông.
“Đây là phép nhiệm mầu mà cụ tổ tôi đã dạy tôi từ nhỏ nhưng tôi không ý thức được nên chưa dùng. Năm 2016, trong thời gian bị bệnh nặng, cụ tổ tôi tiếp tục truyền lại nên tôi mới sử dụng phương pháp này. Đó là cách: Xem xét chỗ đau bằng mắt thường và bằng tay. Dùng hơi trong miệng và nước bọt xoa lên chỗ đau để trị bệnh”, "thần y" 9X tiết lộ.
Tiền công chữa bệnh Hải lấy cũng khá “hữu nghị” và hợp lý với bà con dân tộc: Tối thiểu là 50.000 đồng, khoảng 1kg gạo và vài quả trứng gà. Khi bệnh khỏi hoặc nặng thêm, phải chữa trị tiếp thì đóng góp “tùy tâm”. Những bệnh “thần y” thường hay chữa là đau khớp xương, khớp vai, khớp cổ, nhức đầu…
“Là nông dân, tuổi cao thì ai chả đau xương, khớp, nhức đầu, nhất là khi trái gió trở mùa như thế này. Mà những bệnh ấy đến đây ngồi nghỉ thì tự nó đã khỏi, cần gì phải thuốc thần, thuốc thánh. Thế nhưng nông dân không hiểu được, lại thấy nhiều người tìm đến, tiền thuốc thang cũng rẻ nên thành tâm lý đám đông, tạo điều kiện cho Hải kiếm thêm” – ông Lò Văn Nghiên, dân bản Hụm xã Chiềng Cọ, chia sẻ với PV.
Cách đây gần 1 tháng, Phòng Y tế thành phố Sơn La đã tổ chức vào kiểm tra và yêu cầu Quàng Văn Hải chấm dứt hoạt động trái phép, nhưng Hải không những không dừng hoạt động mà còn làm quy củ hơn.
Hải cho lên lịch khám chữa bệnh, viết bằng mực đỏ, chữ to, treo ngay trước cửa nhà. Theo đó, mỗi ngày Hải chỉ khám cho 15 người bệnh mới đến và điều trị tiếp theo cho 15 người đang điều trị dở dang từ hôm trước. Thời gian khám chữa bệnh cũng chỉ diễn ra ban ngày bởi “ban đêm thầy thuốc còn phải dành thời gian tiếp thu kiến thức mà ông tổ đang tiếp tục truyền thụ”.
Hải thừa nhận với PV là “số bệnh nhân tôi khám và điều trị mỗi ngày một nhiều so với con số 15 người/ngày. Trong hơn 3 tháng vừa qua, tôi đã chữa trị cho khoảng 3.000 người”.
Ngày 14.4, UBND TP.Sơn La đã phải cử lực lượng chức năng đến kiểm tra, xem xét và ra quyết định giải tán cơ sở khám chữa bệnh của Hải.
Nhưng ngay sáng hôm sau (15.4), khi PV có mặt tại đây ghi nhận thấy rất nhiều người tụ tập trên con ngõ dẫn vào nhà Hải. Một người trong số ấy ghé tai chúng tôi giải thích: Chúng tôi đến đổ bê tông thuê cho con ngõ nhà thầy Hải. Thấy bảo rằng có một số người đến đây chữa bệnh đã tự nguyện góp tiền để giúp “thầy Hải” bê tông hóa con ngõ dài khoảng 300m.
Con đường bê tông lên nhà ông Quàng Văn Hải đang được đổ bê tông nhờ nguồn tiền thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh bất hợp pháp của "thần y" này.