Dân Việt

XKLĐ năm 2013: Nhiều thị trường lớn tăng chỉ tiêu

14/01/2013 16:39 GMT+7
(Dân Việt) - “Tăng đào tạo để tăng số lượng” là định hướng xuất khẩu lao động của ngành lao động - thương binh - xã hội trong năm 2013. Một thuận lợi là nhiều thị trường truyền thống đã “đánh tiếng” sẽ tăng số lượng lao động Việt Nam tiếp nhận...

Ổn định thị trường…

Mục tiêu của Việt Nam năm 2013 đến 2015 là mỗi năm sẽ đưa 100.000 lao động đi làm việc ở ngoài nước. Nhận định về triển vọng xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong năm 2013, ông Đào Công Hải - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Dù năm 2013 được dự báo là năm khó khăn, nhưng những thị trường có truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam vẫn đang mở rộng cửa.

Ví dụ, Đài Loan có khả năng tiếp nhận hơn 20.000 lao động Việt Nam, Nhật Bản năm 2012 tiếp nhận 7.000 lao động, dự kiến năm 2013 tăng lên 8.000-9.000 lao động. Ngoài ra, các thị trường Quatar, Trung Đông… cũng sẵn sàng tiếp nhận lao động của ta. Đây cũng là cơ hội để ta phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao số lượng trong năm 2013”.

img
Học nghề sửa chữa máy móc tại Trường Trung cấp Nghề Châu Hưng (Hưng Yên).

Thời gian qua, để làm tốt công tác XKLĐ, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam ở các nước để hỗ trợ các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc. “Năm 2013, một số thị trường lao động như Libya, Angola, Cộng hoà Sip… cũng có nhu cầu lớn về lao động. Chúng tôi đang đàm phán để đưa lao động sang” - ông Hải nói.

Tín hiệu khả quan trong những ngày đầu năm là Libya đang tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam, với mức lương tăng khoảng 30%. Hiện một số doanh nghiệp XKLĐ đã bắt đầu ký hợp đồng trở lại là các Công ty Sona, Vinaconex, Việt Nhật, Công ty cổ phần Việt Thắng. Riêng Công ty cổ phần Việt Thắng đầu năm 2012 đã đưa 29 lao động sang Libya làm việc.

Ông Nguyễn Vạn Xuân – Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng cho biết, thu nhập của lao động hiện đã đạt trên 500USD/tháng (khoảng 9 – 12 triệu đồng, bao gồm cả tiền làm thêm); toàn bộ chi phí ăn, ở do chủ sử dụng lao động đài thọ. Sau bạo loạn, các dự án, công trình xây dựng tại Libya đều đã hoạt động bình thường trở lại và thông báo nhận lại lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp XKLĐ hiện cũng đang thăm dò và việc đầu tiên là đòi các khoản nợ lương, phụ cấp cho lao động Việt Nam trước khi bạo loạn nổ ra.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Cung ứng nhân lực quốc tế cho biết: “Hiện công ty chủ yếu hướng vào thị trường Đài Loan và Nhật Bản. Lao động phần lớn tập trung ở lĩnh vực xây dựng, chế tạo. Lao động nữ thì chủ yếu làm việc ở lĩnh vực y tế, điều dưỡng. Hiện nay lĩnh vực này chiếm hơn 60% trong tổng số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài”.

Tăng cường đào tạo

Ông Đào Công Hải khẳng định: “Muốn nâng cao số lượng lao động đi nước ngoài làm việc thì phải tăng cường công tác tuyển chọn và đào tạo thật kỹ lưỡng. Kinh tế càng khó khăn, nhà tuyển dụng càng khó tính. Lao động không đảm bảo yêu cầu công việc thì không có khả năng cạnh tranh. Chất lượng lao động muốn tốt thì cần đảm bảo 3 yếu tố: Kỹ năng tay nghề; trình độ ngoại ngữ; và kinh nghiệm, tác phong làm việc”.

Ví dụ “nhãn tiền” là giữa năm 2012 và đầu năm 2013 này, Cục Quản lý lao động ngoài nước xúc tiến đưa lao động ngành y tá, điều dưỡng sang Nhật Bản, Đức… và phải tổ chức đào tạo “từ A tới Z” về ngoại ngữ. Đây là những lao động đã có trình độ chuyên môn (cao đẳng, đại học về điều dưỡng), có giấy phép hành nghề nhưng vẫn chưa thể làm nghề ở nước bạn.

Trong năm 2012, chỉ tiêu là đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng kết thúc năm 2012, cả nước mới đưa được 80.000 lao động. Theo nhận định của Bộ LĐTBXH, nguyên nhân suy giảm là do trục trặc ở một số thị trường lao động lớn như Hàn Quốc (tạm ngừng tuyển); thị trường lao động Malaysia có cải thiện về lương, điều kiện làm việc nhưng chưa hấp dẫn lao động.

Việc mở rộng thị trường mới cũng gặp nhiều khó khăn do trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam hạn chế. “Đây là hạn chế đối với lao động Việt Nam, gây khó khăn cho việc tiếp cận những nước đòi hỏi chất lượng lao động cao” - ông Hải nói.

Ngay cả các thị trường lao động “dễ tính” như Malaysia, Đài Loan… vấn đề đào tạo lao động xuất cảnh sang các nước này cũng được đặt ra khá cấp thiết. Lý do là yếu tay nghề, không biết ngoại ngữ, lao động sẽ bị “ép” về tiền lương, thiệt thòi khi đàm phán các điều kiện lao động.

Chị Bùi Thị Hà (quê Tứ Kỳ, Hải Dương), đi làm việc tại Malaysia năm 2008 qua Công ty cổ phần XKLĐ Việt Hà cho biết, theo hợp đồng, chị làm tại một xưởng may ở bang Johoh. Tuy nhiên, do tay nghề còn yếu nên lương của chị và nhiều lao động Việt Nam luôn ít hơn lao động các nước khác (chỉ 3-5 triệu đồng/tháng)...

Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐTBXH đã có Dự án “Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng”. Theo đó, mỗi lao động nghèo nông thôn được hỗ trợ chi phí học nghề (3 triệu đồng/khóa), ngoại ngữ (3 triệu đồng/khóa); bồi dưỡng tiền ăn, học, đi lại và các chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài như hộ chiếu, visa, phí khám sức khỏe, lệ phí lý lịch tư pháp.

Dự án này đặt mục tiêu đào tạo khoảng 80.000-120.000 lao động, trong đó có 5.000 lao động đào tạo ở trình độ cao. Ông Hải hy vọng, với hỗ trợ “tới tận tay” này, lao động sẽ có ý thức, có điều kiện học nghề, học ngoại ngữ bài bản trước khi lên đường”.