Cổ đông náo loạn tại đại hội cổ đông Eximbank năm 2016
“Đòi lại” thù lao đã chi vượt cho lãnh đạo
Trong tài liệu phục vụ ĐHCĐ năm 2017, Eximbank đề xuất việc sẽ thu hồi gần 52 tỷ đồng thù lao đã trả cho các lãnh đạo cũ (HĐQT, Ban kiểm soát) trong 3 năm từ 2013 đến 2015. Đây là số thù lao mà Eximbank đã “chi vượt” so với kế hoạch được phê duyệt.
Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2015, thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát Eximbank sẽ được tính dựa trên 1,5% của lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, năm 2013, lợi nhuận sau thuế của Eximbank chỉ đạt 658,7 tỷ đồng nên thù lao của HĐQT và BKS sẽ được nhận là hơn 9,8 tỷ đồng đồng. Việc HĐQT và BKS đã nhận hơn 34,3 tỷ đồng trong năm nên số tiền chi vượt được xác định là 24,5 tỷ đồng.
Tương tự, năm 2014, Eximbank chỉ đạt hơn 56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nên quỹ thù lao chỉ là 841,2 triệu đồng. Tuy nhiên, thù lao đã thực chi là 34,9 tỷ đồng đồng nên mức chi vượt là hơn 34 tỷ đồng.
Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Eximbank càng thấp hơn nữa, chỉ đạt gần 40 tỷ đồng nên quỹ thù lao được hưởng đối với HĐQT và BKS là 600 triệu đồng. Tuy nhiên, thù lao thực chi là 24,59 tỷ đồng, chi vượt gần 24 tỷ đồng.
Như vậy, trong giai đoạn 2013-2015, tổng thù lao mà HĐQT và BKS cũ đã nhận vượt cần phải thu hồi là hơn 82,5 tỷ đồng. Trước việc chi vượt thù lao những năm trên, ban lãnh đạo mới đã đề xuất thù lao HĐQT, KBS giai đoạn 2013-2015 là 14 tỷ đồng/năm (10 tỷ đồng cho HĐQT và 4 tỷ đồng cho BKS). Nếu đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 thông qua phê duyệt đề xuất thù lao HĐQT, KBS giai đoạn 2013-2015 ở mức trên thì các lãnh đạo cũ của Eximbank phải nộp lại số tiền gần 52 tỷ đồng.
Về mức thù lao HĐQT, BKS năm 2016, Eximbank cũng đề xuất mức thù lao là 10 tỷ đồng cho HĐQT (9 thành viên) và 4,5 tỷ đồng cho BKS.
Riêng năm 2017, HĐQT Eximbank đề xuất tổng mức thù lao của HĐQT sẽ được tính dựa trên 2% của lợi nhuận trước thuế nhưng không thấp hơn 12 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách hoạt động của HĐQT (chi phí công tác, tiếp khách, điện thoại...) là 5,5 tỷ đồng.
Với BKS thì đề xuất ngân sách hoạt động năm 2017 là 883 triệu đồng và mức thù lao 5 tỷ đồng.
Không chia cổ tức, trích lãi hằng năm để khắc phục khoản lỗ từ Eximland
Kết thúc năm 2016, dù Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, song con số này mới chỉ hoàn thành một nửa kế hoạch dự kiến. Hệ số an toàn vốn (CAR) hợp nhất là 17,12%. Theo Eximbank, mặc dù kinh doanh có lãi trong năm 2016 nhưng Eximbank vẫn lỗ lũy kế 461 tỷ đồng. Vì vậy kế hoạch trình cổ đông lần này sẽ không chia cổ tức cho năm tài chính 2016.
Về lợi nhuận, Eximbank đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2017 ở mức 600 tỷ đồng, tăng 50% so với thực hiện năm 2016. Ngoài ra, Eximbank dự kiến quy mô tổng tài sản tăng lên 150.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 120.000 tỷ đồng; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 108.875 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.
Đặc biệt, tại đại hội lần này, Eximbank cũng trình cổ đông về kế hoạch trích lãi hằng năm để khắc phục khoản lỗ từ Eximland.
Cụ thể, theo kết luận Thanh tra số 34 (năm 2015) của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giai đoạn 2010-2013, thông qua việc bán các bất động sản cho Eximland, Eximbank ghi nhận thu nhập (không phải từ hoạt động kinh doanh) tổng cộng trên 1.116 tỷ đồng. Trong năm 2014, Eximbank đã tự khắc phục được 284 tỷ đồng, còn 831 tỷ đồng phải tiếp tục xử lý.
Thanh tra NHNN kết luận, Eximbank bán các bất động sản và đưa khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá mua và giá bán vào thu nhập là chưa đúng quy định và yêu cầu HĐQT Eximbank phải xin ý kiến ĐHCĐ để thông qua phương án khắc phục. Vì vậy, HĐQT mới thực hiện hạch toán hồi tố theo nguyên tắc kế toán. Ngoài số đã được khắc phục đến ngày 31.12.2014, Eximbank đã hạch toán điều chỉnh hồi tố giảm lợi nhuận tại ngày 31.12.2014 là 948, 57 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh này được công ty kiểm toán độc lập KPMG xác nhận là phù hợp và được áp dụng một cách hợp lý.
Ngoài ra, nhiều vấn đề khác như sẽ chuyển nhượng hơn 165 triệu cổ phiếu Sacombank, tiếp tục xây Tháp Eximbank (tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Q.1)... sẽ được đưa ra bạn bạc xin ý kiến tại đại hội lần này.
3 ứng viên bổ sung vào HĐQT vẫn là ẩn số Liên quan đến thông tin về 3 ứng viên, phía Eximbank cho rằng danh sách này đang còn chờ Ngân hàng Nhà nước xét duyệt nên chưa thể công bố, tuy nhiên trên thị trường lại xuất hiện khá nhiều đồn đoán. Nhiều ý kiến cho rằng, các ứng viên này vẫn là đại diện đến từ các nhóm cổ đông lớn nắm giữ hơn 10% vốn Eximbank. Tuy nhiên, cũng có nguồn tin cho rằng, trong số 3 ứng viên ứng cử lần này, có 1 đại diện của nhà đầu tư Nhật Bản, 1 người đang nắm giữ vị trí cố vấn cấp cao của Eximbank và 1 người là đại diện của NHNN. |