Giá cà phê có dấu hiệu tiếp tục tăng?
Theo phân tích của trang vinanet.vn, thông thường, trước một kỳ nghỉ dài như dịp lễ Phục Sinh vừa qua, giá các thị trường kỳ hạn cà phê giao dịch rất yên ắng và buốn tẻ, nhưng năm nay thị trường "quá lạ lùng". Trên sàn kỳ hạn robusta London, giá dao động rất mạnh. Trong tuần giá biến động khó lường, ngày tăng ngày giảm đầy bất ngờ.
Ngay cả giao dịch trong phiên có ngày tăng giảm rất mạnh như ngày thứ 5 (13.4), giao dịch có lúc lên đỉnh 2.213 USD/tấn nhưng có khi lại xuống sâu 2.152 USD/tấn, cách biệt nhau tới 61 USD/tấn, sau đó đóng cửa về mức âm, chốt cuối tuần tại mức 2.173 USD/tấn, giảm 21 USD/tấn so với tuần trước đó.
Giá kỳ hạn arabica New York có phần yên ắng hơn, nhưng cả tuần vẫn giảm 1.15 cts/lb, chốt mức 141.25 cts/lb.
Nông dân Đăk Lăk thu hoạch cà phê. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
Tuy nhiên, ngay sau dịp nghỉ lễ Phục Sinh, giá cà phê trên sàn New York đã tăng khá mạnh và vượt qua mức bình quân trong 20 ngày gần nhất. Theo phân tích của trang giacaphe.com, kể từ khi thị trường New York bị sụt giá từ ngày 21.3 đến nay, chưa một lần nào giá thị trường này đóng cửa mà nằm trên mức giao dịch bình quân của 20 ngày qua. Nhưng ở phiên giao dịch một mình hôm qua, thị trường New York đã làm được điều đó khi giá đóng cửa tháng 7 nằm ở mức 1,435 USD/lb, khá xa trên mức giao dịch bình quân 20 ngày đang là 1,421 USD/lb.
Mức giá này đã tăng 2,25 cent, tương đương 1,6% so với phiên trước. Theo phân tích, giá tăng chủ yếu nhờ lực mua kỹ thuật đồng thời được hỗ trợ bởi đồng real hồi phục so với đồng USD. Đây là điểm tích cực nhất mà thị trường này vừa thực hiện được, cho phép các phân tích kỹ thuật đặt niềm tin là thị trường New York sẽ còn tiếp tục đà tăng.
Tuy nhiên, giá arabica vẫn giao dịch dưới ngưỡng trung bình 50 ngày do chờ đợi vụ thu hoạch bắt đầu vào cuối tháng này ở Brazil.
Giá cà phê trong nước ổn định
Trải qua 1 tuần giao dịch với những phiên tăng giảm giá tới 0,5 triệu đồng/tấn, giá cà phê robusta tại Tây Nguyên hôm qua 18.4 khá ổn định và vẫn quanh mức 45,9 - 46,6 triệu đồng/tấn, giá giao vào các kho quanh TP.HCM và Bình Dương khoảng 47 triệu đồng/tấn.
Cụ thể, giá cà phê ngày 18.4 tại Lâm Đồng ở mức 46.100 đồng/kg, tại Đăk Lăk và Gia Lai cùng ở mức 46.600 đồng/kg.
Phơi sấy cà phê nguyên liệu tại Công ty TNHH MTV cà phê Thắng Lợi (Đăk Lăk). Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường
Nếu áp lực giá giảm trên sàn kỳ hạn tăng mạnh, rất có thể những người còn tích trữ cà phê sẽ ngừng bán ra, không chỉ tại Việt Nam mà ở các nước sản xuất khác như Brazil và Indonesia. Do đó, các nhà phân tích đều nói rằng lực bán mạnh trong tuần này không phải là bán mới mà là lực chốt giá hàng đã bán, đã giao vào kho theo các hợp đồng giao sau.
Có thể lực bán này rất mạnh và sẽ tạm thời kéo giá kỳ hạn London xuống, nhưng điều này được dự báo là ít có tác động đến giá cà phê trong nước. Nguyên nhân là do lượng bán hàng của vụ mới 2016/17 đã khá nhiều, chất lượng cà phê yếu làm mất đi chừng 20% hàng không ra được thị trường một cách bình thường như các năm cũ. Vì lẽ đó, giá cà phê nội địa cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ cũng khó giảm xuống mức 45 triệu đồng/tấn cho các hợp đồng mua bán mới.
Giá hồ tiêu không có động lực hồi phục?
Trái với hi vọng của nhiều người, hôm qua, thị trường hồ tiêu trong nước không những không tăng mà lại có biến động giảm, khi giá hồ tiêu nguyên liệu tại Tây Nguyên dao động quanh mức 100.000 - 104.000 đồng/kg. Mức giá này giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Cụ thể, giá tiêu tại Đăk Lăk ở mức 102.000 đồng/kg; tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đăk Nông cùng ở mức 104.000 đồng/kg; tại Đồng Nai là 103.000 đồng/kg. Đáng chú ý, hồ tiêu tại Chư Sê (tỉnh Gia Lai) tụt xuống chỉ còn 100.000 đồng/kg.
Nông dân huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chăm sóc hồ tiêu. Ảnh: Internet
Trên thị trường tiêu thế giới, giá hồ tiêu Ấn Độ hôm 18.4 đã giảm giá sau một ngày thị trường đóng băng. Theo đó, giá giao dịch hồ tiêu Ấn hiện đang dao động ở khoảng từ 61.000 – 61.275 rupi/kg hồ tiêu. Giá giao dịch hồ tiêu Ấn Độ đang tăng giảm không theo quy luật và thay đổi bất thường, cho thấy thị trường đang có nhiều biến động bất ổn và khó lường trước.