Dân Việt

Có gì bất thường khi Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo?

Hứa Chung 19/04/2017 19:10 GMT+7
Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, Philippines tạm dừng nhập khẩu gạo nhằm bảo hộ sản xuất trong nước… Những yếu tố này đang khiến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam lại rơi vào trầm lắng và ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu sắp tới.

Thị trường nhập khẩu chính gặp khó

Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), qua các phương tiện truyền thông chính thức của Philippines, Tổng thống nước này mới đây đã thông báo sẽ tạm dừng nhập khẩu gạo, do lo ngại gạo nhập khẩu sẽ cạnh tranh với sản lượng gạo của nông dân nước này đang vào vụ thu hoạch. 

img

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: Báo GD&TĐ

Việc nước này có nhập khẩu trong năm nay hay không thì hiện vẫn còn có những ý kiến trái chiều, bởi trước đó, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) khẳng định, nước này cần phải nhập khẩu ngay 250.000 tấn gạo trong tháng 3/2017 để sử dụng cho mùa giáp hạt. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có động thái gì. 

Một số doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu sang thị trường này cho rằng, theo thông lệ hàng năm vào thời điểm tháng 4-5, Philippines sẽ không nhập khẩu gạo, do đây cũng là thời điểm nước này cũng đang vào vụ thu hoạch lúa gạo. Và họ chỉ nhập từ tháng 6 trở đi. Tuy nhiên, việc Philippines thông báo tạm dừng nhập khẩu gạo để bảo vệ sản xuất trong nước là một xu hướng đã được VFA dự báo trước đó.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, không chỉ riêng Philippines, nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á đang dần thay đổi cơ chế điều hành nhập khẩu gạo, từ việc Chính phủ nhập khẩu chuyển dần sang giao cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu hạn ngạch hoặc tự do hóa hoàn toàn thương mại gạo. Đồng thời, Chính phủ các nước này có những chính sách quyết đoán về an ninh lương thực, từng bước tự cân đối lương thực trong nước, giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.

Dù là xu hướng đã được dự đoán trước, nhưng ít nhiều cũng tác động đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp. Trong 2 tháng đầu năm 2017, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 24,8% thị phần. Phần lớn sản lượng xuất khẩu rơi vào gói hơn 293.000 tấn mà Chính phủ Philippines giao cho thương nhân nước này thu mua.

img

Nông dân các tỉnh ĐBSCL tất bật thu hoạch lúa đông xuân 2017. Ảnh: TTXVN

Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực, Thực phẩm Long An, kể từ cuối năm 2016 đến nay, do không nằm trong danh sách 22 doanh nghiệp được phép xuất sang Trung Quốc nên công ty này phải tìm kiếm và tập trung các thị trường nhập khẩu gạo khác ở khu vực châu Phi, Đông Nam Á...; trong đó Philippines là một thị trường quan trọng, giúp doanh nghiệp tiêu thụ gạo nếp khá tốt. Do vậy, với thông tin Philippines tạm dừng nhập khẩu chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Không chỉ gặp khó ở thị trường Philippines, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc hiện cũng đang trầm lắng. Theo nguồn tin từ các doanh nghiệp, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang chậm lại trong 2 tuần gần đây. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo nội địa sụt giảm.

Nguy cơ “ách tắc” vụ lúa hè thu

Sau một thời gian dài giá tăng lên quá cao trong vụ đông xuân 2016-2017, cao hơn cả giá bán xuất khẩu thì giá lúa gạo nội địa đã bắt đầu sụt giảm hơn nửa tháng nay. Điều này đúng với những dự đoán trước đó của nhiều doanh nghiệp.

Theo các doanh nghiệp, giá lúa gạo trong nước hiện đang có xu hướng giảm là do nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới vẫn còn trong giai đoạn suy yếu, còn nguồn cung lại khá dồi dào. Hầu hết các nước sản xuất lúa gạo như Thái Lan, Philippines, Việt Nam… đang vào đợt thu hoạch vụ chính trong năm nên nguồn cung trên thị trường khá dồi dào. Trong khi đó, những thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc lại đang hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu.

img

Nông dân ĐBSCL vận chuyển lúa vừa thu hoạch về nhà. Ảnh: Báo GD&TĐ

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam trong những tháng đầu năm đã trải qua một giai đoạn khá đặc biệt. Đó là giá nội địa “bật” lên cao quá khiến giá gạo chào bán xuất khẩu cũng ở mức cao hơn so với các nước, trung bình từ 7-10 USD/tấn. Các đối tác nhập hàng hầu như không chấp nhận mức giá cao này nên trong khoảng nửa cuối tháng 2 đến nay, ít có doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam ký thêm được đơn hàng mới. Và dĩ nhiên, khi đi hết những đơn hàng cũ, thị trường lúa gạo lại rơi vào trầm lắng.

“Hiện giá lúa gạo nội địa đã sụt giảm nhẹ, không còn cao như trước. Tuy nhiên, do phụ phẩm sau khi chế biến sụt giảm khá lớn, kèm theo đồng USD mất giá so với đồng Việt Nam nên lợi nhuận của nhà xuất khẩu khá thấp. Điều này cũng khiến họ không mặn mà để ký kết thêm hợp đồng xuất mới”, ông Long nói.

Với tình hình thị trường như hiện nay, một số doanh nghiệp cho rằng sẽ tác động đến việc tiêu thụ lúa gạo đối với những diện tích lúa thu hoạch cuối vụ đông xuân và vụ hè thu sắp tới. Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), việc giá lúa gạo nội địa tăng sẽ khuyến khích nông dân sản xuất, tăng thu nhập, tuy nhiên mức giá nội địa phải phù hợp với tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp chứ không phải là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không ký được hợp đồng, xuất khẩu “ì ạch” như hiện nay.

“Cứ đà này, trong vòng 1-2 tháng tới nếu doanh nghiệp không ký được hợp đồng lớn thì nguy cơ tiêu thụ lúa vụ hè thu bị “ách tắc” là rất cao. Không những vậy, chi phí sản xuất trong vụ hè thu cũng thường cao hơn so với vụ đông xuân nên thu nhập của nông dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Tuấn nói.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 6/4, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 1,2 triệu ha trong tổng số hơn 1,53 triệu ha diện tích lúa gieo trồng trong vụ đông xuân 2016-2017, với năng suất trung bình là 6,4-6,5 tấn/ha. Nhiều tỉnh, thành cũng đã bắt đầu gieo sạ lúa vụ hè thu, với diện tích xuống giống là khoảng 450.000 ha/1,6 triệu ha diện tích kế hoạch.