Vài ba sáng khi từ nhà ra chợ ăn hàng, tôi nghe vẳng từ xa những câu thơ được nói có vần có điệu, như hát: “Nhựt trình Vĩnh Ký (Trương Vĩnh Ký) đặt ra/Chép làm một bổn để mà xem chơi/Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tài/Có thầy thông Chánh thiệt là lớn gan"...
Sau này tôi mới biết đó là những câu thơ trong “Thơ Thầy Thông Chánh”. Cũng với thể thơ lục bát dễ nghe, dễ nhớ ấy là “Thơ Sáu Trọng”, “Thơ Năm Tỵ” được những người mù ngồi đầu cầu, bến đò, góc chợ khi chợ đang nhóm, “nói” vang vang. Người ta tụ tập bao quanh người khiếm thị, tập trung nghe những vần điệu ngọt ngào ấy thấm sâu vào tim gan mình.
Bà Phạm Thị Ba, một người am hiểu sâu sắc về nói thơ Bạc Liêu. Ảnh: TL
Tôi chen chân vào nhìn thấy người mù bận bộ bà ba đen, chân chất ngồi chèm bẹp trên đôi guốc ghép lại. Những bài thơ viết theo thể lục bát được người khiếm thị “nói” bằng giọng ngân nga; nhịp điệu lên bổng xuống trầm cùng sắc mặt diễn cảm đầy cuốn hút đã khiến lòng người nghe lâng lâng bao niềm xúc cảm, tinh thần yêu nước cuộn sôi… Càng thêm hấp dẫn khi nó hòa điệu cùng tiếng đàn cò, đàn độc huyền trong hai bàn tay gầy guộc của người “nói”.
Tinh thần yêu nước càng dâng cao khi việc nói thơ có thêm điệu nói thơ Bạc Liêu. Làm sao không ghi đậm sâu trong tim óc người nghe những câu: “Con ơi! Dứt mọi tình trường/Con ra mặt trận giữ gìn biên cương/Thà là chết ở chiến trường/Còn hơn chết ở trên giường thê nhi…”; “Có gì quý báu cho bằng/Cờ hồng thắng trận bủa giăng khắp trời/Đồng bào ta được thảnh thơi/Oai danh chiến sĩ chói ngời năm châu”… Đó là những khúc tâm tình gởi gấm lòng tin yêu và cả quyết tâm chiến đấu cho non sông, đất nước.
Bây giờ, nhớ người khiếm thị nói thơ là nhờ giai đoạn kháng chiến sục sôi, đem đến thắng lợi như ngày hôm nay.