Dân Việt

"Ông trùm" U70 cắt, ghép nhân giống cây thu 4-5 triệu đồng/tháng

Phương Nguyên 20/04/2017 13:15 GMT+7
Ở tuổi cận kề 70, ông Nguyễn Văn Bờm vẫn cần mẫn chiết, ghép nhân giống cây ăn quả các loại, làm ra lợi nhuận 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Bờm ở thôn Bằng Nha, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên tự xác định cho mình: "Còn sức khỏe còn lao động. Lao động phù hợp với lứa tuổi chính là hình thức luyện tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, trí tuệ. Và tạo thêm của cải vật chất để chủ động cuộc sống cho bản thân, gia đình và xã hội".

img

Ông Bờm kiểm tra chất lượng cây giống

Theo đó, mặc dù đã cận kề tuổi 70, nhưng ông Nguyễn Văn Bờm vẫn hàng ngày cần mẫn chiết, ghép nhân giống các loại cây ăn quả, có thu nhập đều đặn hàng tháng.

Cây giống sản xuất ở gia đình ông Bờm gồm có cam, bưởi, mít, chanh, ổi, xoài, táo, hồng xiêm và đủ đủ các loại, chủ yếu xuất bán theo hợp đồng với các địa phương ở trung du miền núi phía Bắc, các nhà vườn trong tỉnh và phụ cận.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi biết, ông Bờm từng có bề dày kinh nghiệm chiết, ghép nhân giống cây ăn quả trên 30 năm. Mọi kỹ thuật ghép áp, ghép nêm, ghép đoạn cành, ghép cửa sổ... ông đều nắm chắc và chiết ghép thuần thục, chuẩn xác như có năng khiếu bẩm sinh.

Mặc dù tuổi đã cao, không xông xáo năng nổ như lớp trẻ, nhưng ông Bờm vẫn luôn cập nhật được các tiến bộ kỹ thuật cây ăn quả mới và áp dụng vào sản xuất kinh được hơn 10 vạn cây giống mỗi năm, góp phần cùng cả nước, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng, chất lượng, hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và gia tăng giá trị.

Chẳng những giàu kinh nghiệm chiết ghép các giống cây ăn quả, ông Bờm còn có hiểu biết khá sâu rộng về đặc tính kinh tế và đặc tính thực vật của nhiều giống cây ăn quả khác nhau. Ông Bờm cho biết: Trong rất nhiều giống mít đang lưu thông trên thị trường, thì giống mít siêu sớm là thích hợp nhất cho trồng ở các địa phương miền Bắc nước ta, riêng giống mít không hạt, nên hạn chế trồng, vì giống chưa thuần.

Với các giống táo, giống đào muộn, thường cho thu hoạch quả tập trung từ đầu tháng 2 (sau Tết Nguyên đán) đến giữa tháng 3 dương lịch, quả khá to: 20 - 22 quả/kg, ăn ngọt thơm, năng suất trung bình đạt 1 tấn quả/sào, sản phẩm dễ bán, ít bị thâm giập khi lưu chuyển đi xa, giống dễ trồng, cứng cây, chịu thâm canh, ít sâu bệnh hơn một số táo khác.

Giống táo đào vàng (còn gọi là đào sớm), mã quả đẹp, ăn ngon, ngọt, bán được giá, thời gian thu quả rộ từ cuối tháng 11 đến cuối tháng 1 (kết thúc thu quả trước Tết Nguyên đán), năng suất trung bình khoảng 8 - 9 tạ quả/sào.

Táo Gia Lộc thu hoạch quả cùng thời vụ với táo đào vàng, nhưng quả ăn có vị chua, chủ yếu bán cho các cơ sở chế biến mứt tết, năng suất chỉ khoảng 7 - 8 tạ quả/sào, nhưng là giống dễ tính, dễ thâm canh, ít sâu bệnh.

Giống táo số 5, quả rất to: 10 - 12 quả/kg, mã quả đẹp, ăn giòn, ngon ngọt, thu hơi sớm ăn không bị nhớt, thu hơi muộn ăn không chua bở, tuy nhiên người trồng cần đầu tư thâm canh cao hơn các giống táo khác và phải làm giàn đỡ chống gẫy cho các cành quả...

Nhờ có những kinh nghiệm của ông Bờm, mà các nhà vườn, khi mua giống cây ăn quả của bác, đều chọn được đúng loại cây thích hợp trồng trong điều kiện sinh thái của địa phương.