Đại hội cổ đông Công ty CP Hàng Tiêu dùng Masan
Sáng nay 20.4, Công ty CP Hàng Tiêu dùng Masan (Masan Consumer - mã MSC) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2017.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan cho biết, Ban điều hành Masan Consumer đang đặt mục tiêu vào 2020, lợi nhuận để phân bổ cho cổ đông vốn chủ sở hữu sẽ lên tới 1 tỷ USD, gấp 1.000 lần giá trị mà Masan Consumer đã dành cho cổ đông ở thời điểm năm 2002. Đồng thời, công ty cũng đang hướng tới trở thành doanh nghiệp có doanh thu lên tới 5 tỷ USD vào năm 2020.
“Quý cổ đông có nhìn thấy khán phòng này rộng bao nhiêu không? Nếu chúng ta duy trì được mục tiêu kế hoạch 5 năm và quyết tâm với kế hoạch đó thì đến năm 2020, cổ tức của quý cổ đông nếu đổi ra tờ 500 nghìn Việt Nam đồng sẽ có thể chất đầy khán phòng này đó”, ông Quang ví von.
Tại đại hội, Masan Consumer cũng thông qua kết quả kinh doanh năm 2016 và phương hướng kinh doanh năm 2017. Cụ thể, năm 2016 tổng doanh thu hợp nhất của MSC đạt 13.780 tỷ đồng, đạt 95% so với kế hoạch, tăng trưởng 4% so với 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 2.791 tỷ đồng, đạt 99,7% so với kế hoạch và giảm 4% so với 2015. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu là năm 2016 là 5.165 đồng.
“Có thể thấy, thu nhập tài chính thuần năm 2016 thấp hơn năm trước nhưng cổ đông cũng không phải lo lắng vì đây là do chính sách chia cổ tức tiền mặt năm nay cao đã khiến lợi nhuận sau thuế của công ty giảm”, ông Quang lý giải.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2017, MSC đặt mục tiêu kinh doanh với doanh thu thuần đạt 14.500-15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế và sau cổ đông thiểu số đạt 2.550-2.810 tỷ đồng.
Tại đại hội, MSC cũng thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền là hơn 2.578 tỷ đồng, trong đó đã chi trả trong năm 2016 là hơn 237 tỷ đồng, việc chia cổ tức bằng tiền còn lại (sau khi trừ đi khoản đã được tạm ứng và chi trả trong năm 2016) là 45% tương đương 4.500 đồng/ cổ phiếu. Thời gian chi trả cổ tức năm 2016 còn lại là trong vòng 6 tháng kể từ ngày thông qua Nghị quyết đại hội đồng cổ đông.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan chia sẻ tại đại hội về mục tiêu cổ tức 1 tỷ USD
Ngoài ra, MSC cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu năm 2017. Cụ thể, MSC sẽ phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động trong công ty, loại cổ phần phổ thông, mệnh giá 10.000đ/cổ phần, số lượng tối đa 5.000.000 cổ phần. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ MSC sẽ tăng lên tương ứng với tổng mệnh giá số lượng cổ phần phổ thông thực tế phát hành.
Bước sang phần thảo luận, đại hội “nóng” lên qua những câu hỏi trực tiếp từ cổ đông về kế hoạch phát triển để đạt doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2020.
Một cổ đông đặt vấn đề, MSC dựa vào đâu để ra mục tiêu doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2020, chúng ta có quá tham vọng hay không?
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Quang khá thẳng thắn,kế hoạch này thực ra cũng quá tham vọng và bản thân ban điều hành cũng chưa biết làm thế nào. Tuy nhiên, cần nhớ rằng ở Masan chúng ta có 2 thứ: Thứ nhất là khát vọng, nếu thực sự là việc lớn, việc đáng làm thì tại sao lại không làm? Thứ 2 chính là quyết tâm, quyết tâm của cả một tập thể, một gia đình Masan vì một mục tiêu là mang lại những giá trị tốt đẹp nhất bằng với chi phí thấp nhất cho người tiêu dùng.
Còn nhớ, trước đây nhiều người tiêu dùng Việt Nam sử dụng mì gói thường thấy trên bao bì có 2 con tôm, có đùi gà... nhưng rất ít người đọc được hàng chữ “hình ảnh chỉ mang tính minh họa” thì đến nay, MSC đã có loại mì gói có thịt, thịt 100% là thật nhưng chi phí người tiêu dùng tăng thêm chỉ 1.000 đồng. Đó không phải là một mơ ước xa vời sao.
Hoặc như MSC đã cam kết doanh thu 5 tỷ USD, tôi nói chơi thôi, nêu chúng ta có nhiều tiền thì có thể M&A một doanh nghiệp khác có giá trị 4 tỷ USD thì khi đó (năm 2020) chúng ta đã đạt mục tiêu rồi sao (cười). Nói chơi với quý cổ đông thôi nhé nhưng cũng cần chia sẻ với quý cổ đông rằng, chỉ cần chúng ta nỗ lực, đoàn kết cùng phát triển thì sao dám chắc 5 năm tới chúng ta không đạt được? Phải biết rằng những giá trị mà MSC đang làm ra hiện nay làm là thực, mang lại giá trị đích thực cho người tiêu dùng Việt Nam nói chung, khu vực châu Á nói riêng...
Có cổ đông lại hỏi thẳng, thị trường chúng ta đang nắm giữ chiếm tỷ lệ thế nào? Chúng ta có quá “hoang tưởng” không với mục tiêu 5 tỷ USD và cổ tức 1 tỷ USD?
Trà lời vấn đề này, ông Quang cho rằng, sứ mạnh của chúng ta hiện nay, trong vài năm tới, vài chục năm tới hay trong suốt sự tồn tại của Masan đó là làm sao để người tiêu dùng có thể trả ít hơn, thậm chí trả 1 nửa cho những nhu cầu nhu yếu phẩm hàng ngày của họ. Chúng ta hiện chưa hướng tới làm iphone, làm xe hơi... mà trước hết phải phục vụ nhu cầu nhu yếu phẩm của người dân. Dĩ nhiên khi làm thì phải đảm bảo 3 tiêu chí phải ngon, phải lành và phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.
Khi Masan chúng ta có mở rộng theo chiều sâu, chiều rộng thì vẫn phải theo mục tiêu đó.
Còn về vấn đề có “hoang tưởng” hay không thì tôi chỉ nêu một vấn đề với cổ đông. Hiện nay, mỗi gia đình người Việt đang phải chi 60-70% thu nhập cho các nhu cầu nhu yếu phẩm và trong 90 triệu người tiêu dùng VN đó thì mới chỉ trả 2USD/tháng cho Masan chúng ta, vì vậy chúng ta phải cố gắng hơn nữa để phục vụ cho người tiêu dùng.
“Có thể, nếu năm 2020 dưới sự nỗ lực của chúng ta thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ chi 10 USD cho Masan, khi đó ai dám nói mục tiêu trên của chúng ta là hoang tưởng”, ông Quanh bình luận.