Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong quý 1/2017, xuất khẩu gạo của cả nước trong 3 tháng đầu năm nay giảm mạnh cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Theo đó, xuất khẩu gạo của cả nước đạt gần 1,1 triệu tấn, với trị giá FOB hơn 472 triệu USD, giảm 23% về lượng và 18% trị giá FOB so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong 1,1 triệu tấn gạo xuất khẩu, chỉ có 87.000 tấn xuất khẩu sang Cuba là hợp đồng tập trung, chiếm gần 8%, còn lại là các hợp đồng thương mại. Thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay chủ yếu vẫn là Trung Quốc, với 448.000 tấn, chiếm 41% tổng lượng gạo xuất khẩu; Philippines 227.000 tấn, chiếm hơn 20%...
Một điểm nổi bật nữa trong xuất khẩu gạo quý 1/2017 là giá gạo xuất khẩu bình quân tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, giá xuất khẩu gạo bình quân tại cảng trong 3 tháng đầu năm nay ở mức 432 USD/tấn, tăng 27,7 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 3, giá xuất khẩu gạo bình quân lên đến gần 445 USD/tấn, tăng 42,8 USD/tấn.
Theo VFA, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do giá gạo nội địa tăng đột biến, đẩy giá chào bán xuất khẩu của doanh nghiệp tăng theo. Tuy nhiên, chỉ một số ít doanh nghiệp trữ hàng trước đó có lời, còn đa số là thua lỗ, hoặc lời ít.
Xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý 1.2017 chủ yếu là các hợp đồng thương mại. Ảnh minh hoạ
Hiện giá lúa gạo nội địa đang có xu hướng sụt giảm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dự trữ gạo phục vụ các hợp đồng xuất khẩu gạo đã đăng ký. Tính đến cuối tháng 3, vẫn còn 1,14 triệu tấn gạo đã đăng ký xuất khẩu nhưng chưa giao hàng, trong đó phần lớn vẫn là các hợp đồng thương mại của doanh nghiệp.
Sau một thời gian dài giá tăng lên quá cao trong vụ đông xuân 2016-2017, cao hơn cả giá bán xuất khẩu thì giá lúa gạo nội địa đã bắt đầu sụt giảm hơn nửa tháng nay. Điều này đúng với những dự đoán trước đó của nhiều doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp, giá lúa gạo trong nước hiện đang có xu hướng giảm là do nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới vẫn còn trong giai đoạn suy yếu, còn nguồn cung lại khá dồi dào. Hầu hết các nước sản xuất lúa gạo như Thái Lan, Philippines, Việt Nam… đang vào đợt thu hoạch vụ chính trong năm nên nguồn cung khá dồi dào. Trong khi đó, những thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc lại đang hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu.
Ngoài ra, việc giá lúa gạo trong nước tăng mạnh trong quý 1 vừa qua đã khiến doanh nghiệp không thể ký mới được hợp đồng xuất khẩu. Do đó, việc tiêu thụ lúa hè thu sắp tới dự báo sẽ khó khăn hơn.
Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, việc xuất khẩu gạo “ì ạch” khởi động năm 2017 vừa qua cũng có phần nguyên nhân do giá lúa nội địa tăng quá cao, khiến doanh nghiệp không ký thêm được hợp đồng xuất khẩu.
“Cứ đà này, trong vòng 1-2 tháng tới nếu doanh nghiệp không ký được hợp đồng lớn thì nguy cơ tiêu thụ lúa vụ hè thu bị “ách tắc” là rất cao. Không những vậy, chi phí sản xuất trong vụ hè thu cũng thường cao hơn so với vụ đông xuân nên thu nhập của nông dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Tuấn nói.