Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2017 với điểm sáng về lợi nhuận tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 309 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế còn 210 tỷ đồng.
Hết quý I, Sacombank cho vay khách hàng đạt 206 nghìn tỷ đồng, tăng 3,78%; Huy động vốn đạt 300 nghìn tỷ đồng; tăng nhẹ 3% so với đầu kỳ; Thu nhập lãi thuần đạt 1.051 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý I của Sacombank cũng cho thấy những vấn đề cần phải có những giải pháp đột phá mới có thể giải quyết được.
Cụ thể, trong quý I, nợ xấu là 10.082 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 6.602 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 4,88%, giảm so với mức 5,35% tại thời điểm đầu năm. Trong đó ghi nhận nợ có khả năng mất vốn giảm 469 tỷ đồng.
Trái phiếu VAMC tính đến cuối quý I là 37.760 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Riêng trong quý I, Sacombank đã bán nợ xấu cho VAMC là 460 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank là 23,1%. Có thể, tỷ lệ nợ xấu không dừng ở đấy khi nhìn vào khoản lãi dự thu của Sacombank. Hết quý I, Sacombank có các khoản phải thu hơn 42.048 tỷ đồng, trong đó lãi dự thu là 26.009 tỷ đồng
Nợ xấu thực của Sacombank lên tới 23,1%
Lãi dự thu là phần tiền ngân hàng cần phải thu về nhưng chưa nhận, và được ngân hàng hoạch toán thành lợi nhuận. Theo quy định, lãi dự thu chỉ được tính trong nợ nhóm 1. Tuy nhiên, gần đây quy mô các khoản lãi dự thu của NHTM ngày càng lớn, và nhìn xa, nó gây áp lực lên nợ xấu.
Vấn đề của Sacombank đã rõ và ngân hàng này cần một cơ chế đột phá để tháo gỡ những khó khăn hiện tại. Câu trả lời sẽ có sau khi đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Sacombank diễn ra thành công vào ngày 28.4 tới.
Vấn đề mấu chốt để ĐHĐCĐ của Sacombank diễn ra thành công là câu chuyện ai sẽ là cổ đông lớn được mua lại cổ phần của gia đình ông Trầm Bê hiện đang uỷ quyền cho NHNN. Và cũng từ đây, nhân sự cho những ghế nóng cũng sẽ được sáng tỏ.
Hiện thị trường đang đồn đoán về khả năng quay trở lại của cha đẻ Sacombank, ông Đặng Văn Thành, chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công. Ông Thành được biết đến là cổ đông sáng lập ra Sacombank và là người gây dựng, phát triển thương hiệu Sacombank trong hơn 20 năm qua.
Được biết, thời gian qua, ông Thành và nhóm cổ đông gồm Evercore Group và Redsun Capital Limited đã gửi đề án tái cơ cấu Sacombank lên NHNN.
Bước đầu, nhóm nhà đầu tư xin phép NHNN tiếp cận số liệu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của Sacombank để thẩm định chính xác thực trạng Sacombank sau sáp nhập.
Cũng trong đề án, ông Thành và nhóm cổ đông đề xuất sẽ bổ sung năng lực tài chính cho Sacombank thông qua việc tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng để cải thiện căn cơ các chỉ số an toàn hoạt động. Kế đó là thành lập hội đồng xử lý nợ, tập trung giải quyết nợ xấu và thu hồi các tài sản tồn đọng, và sử dụng các nguồn thu nhập có được để trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu….
Một nguồn thông tin cho biết, hiện Evercore đã được các cấp có thẩm quyền cho phép tiếp cận số liệu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của Sacombank để thẩm định chính xác thực trạng ngân hàng. Đây sẽ là cơ sở xây dựng phương án tái cấu trúc cụ thể, chi tiết, chính xác và đề xuất một số cơ chế đặc thù nếu cần thiết.
Được biết, để cứu Sacombank, trong phương án tái cơ cấu trình Chính phủ có đề xuất phương án nhân sự về chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc là người nước ngoài. Hiện tổng giám đốc là người nước ngoài đã có nhưng chủ tịch HĐQT thì chưa có tiền lệ. Vấn đề này phải đợi nghị quyết của Chính phủ.
Vậy nên, câu chuyện nhân sự của Sacombank trước ngày đại hội vẫn còn bỏ ngỏ và rất có thể ĐHĐCĐ của Sacombank sẽ được rời sang ngày khác.