Trung Quốc đã hết kiên nhẫn với Triều Tiên "khó bảo"?
Theo Straits Times, Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, mới đây đã ủng hộ bản dự thảo do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra, nhằm lên án vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Trong số các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an, chỉ có Nga là nước phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng hoan nghênh những phát biểu của Mỹ về vấn đề Triều Tiên. "Giới chức Mỹ thực sự đã có những phát biểu tích cực và mang tính xây dựng, như sử dụng tất cả biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo. Điều này phản ánh hướng đi mà Bắc Kinh cho là đúng đắn và nên tuân thủ".
Giới phân tích trong và ngoài Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh đang cho thấy dấu hiệu thay đổi chính sách với Bình Nhưỡng, thậm chí sẵn sàng rời xa đồng minh này.
Một trong những yếu tố chính làm thay đổi quan điểm của Bắc Kinh nằm ở việc Triều Tiên đang ngày càng cụ thể hóa tham vọng hạt nhân và phát triển tên lửa.
Bình Nhưỡng đã 5 lần thử hạt nhân, nắm công nghệ thu nhỏ vũ khí hạt nhân vào đầu đạn tên lửa. Những đợt thử tên lửa đạn đạo mới nhất cũng cho thấy dấu hiệu tiến triển.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi những hành động tích cực từ Trung Quốc.
Giáo sư Wang Xiangsui đến từ trường Đại học Beihang, ở Bắc Kinh nhận định, rõ ràng viễn cảnh Triều Tiên làm chủ công nghệ hạt nhân khiến cho “Trung Quốc không còn thời gian để áp dụng các chính sách mơ hồ”.
“Bắc Kinh cần phải thể hiện quan điểm rõ ràng, rằng nước này phản đối Bình Nhưỡng chế tạo vũ khí hạt nhân và muốn đồng minh hãy từ bỏ”, Giáo sư Wang nói.
Viễn cảnh Hàn Quốc và Nhật Bản chạy đua vũ trang bằng vũ khí hạt nhân, để tự bảo vệ mình trước Triều Tiên, cũng đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc.
Một yếu tố khác khiến Bắc Kinh phải cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng là bởi sức ép từ bên ngoài, Giáo sư Li Mingjiang đến từ trường Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nói.
Mối quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc đang bị tổn hại vì Seoul nghĩ Bắc Kinh không nỗ lực kiềm chế Triều Tiên. Điều này cũng khiến Hàn Quốc xích lại gần hơn với Mỹ.
Binh sĩ Triều Tiên trong cuộc duyệt binh ngày 15.4 ở Bình Nhưỡng.
Từ đó, Mỹ lợi dụng tình hình bất ổn ở bán đảo Triều Tiên để tăng cường quân sự đến khu vực này, ông Li nói. Điều này tái hiện lại căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, khi quân đội Trung Quốc đụng độ trực tiếp với Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Theo các chuyên gia, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phớt lờ lời nói của Bắc Kinh về vấn đề hạt nhân và thử tên lửa, Trung Quốc sẽ tạo nên sức ép cả về kinh tế và quân sự.
Các biện pháp cứng rắn hơn của Trung Quốc bao gồm siết chặt thương mại ở biên giới, kiểm soát hoạt động tài chính, khiến cho Triều Tiên khó khăn hơn trong việc huy động nguồn lực cho chương trình hạt nhân.
Giáo sư Li tin tưởng, với nỗ lực từ Trung Quốc và cả sức ép quân sự từ Mỹ, Bình Nhưỡng cuối cùng có thể chấp nhận lựa chọn từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giới thiệu nhiều loại vũ khí mới trong cuộc duyệt binh ngày 15.4.
Tuy nhiên, các biện pháp kinh tế có thể phải mất nhiều tháng mới phát huy tác dụng. Ngay cả khi Bình Nhưỡng không muốn ngừng chương trình hạt nhân, tham vọng của Triều Tiên cũng sẽ giảm dần vì thiếu hụt nguồn tiền, vật tư và cả công nghệ.
Nhưng Giáo sư Jia Qingguo đến từ trường Đại học Peking ở Bắc Kinh lại tỏ ra bi quan. Ông Jia nói, việc tìm kiếm giải pháp phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể rất khó khăn vì Bình Nhưỡng từ chối hợp tác.
“Đến cuối cùng, Trung Quốc có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gia tăng áp lực chưa từng có, dù điều này có thể gây bất ổn hoặc thậm chí khiến Bình Nhưỡng sụp đổ”, Giáo sư Jia nói.
Theo đó, thông tin máy bay ném bom Trung Quốc đặt trong tình trạng “báo động cao” hay việc Bắc Kinh đưa 150.000 quân đến biên giới Triều Tiên, có thể không nhằm bảo vệ Bình Nhưỡng, mà chuẩn bị cho các tình huống bất ổn xảy ra trong khu vực.
Trong tháng 4, Triều Tiên không trả lời bất cứ yêu cầu gặp mặt nào từ phía các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc.