Dân Việt

Ông Đỗ Minh Phú lãi bao nhiêu sau thương vụ tái cơ cấu TPBank?

Trần Giang 21/04/2017 13:56 GMT+7
Với giá cổ phiếu của TPBank đang giao dịch trên thị trường OCT là 8.100 đồng/cổ phiếu, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT lãi khoảng 472 tỷ đồng sau 5 năm đầu tư.

Sáng nay, ngày 21.4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017. Tại đại hội, ông Phú cho biết, tính đến 28.2, ngân hàng đã bắt đầu hoạt động có lãi.

“Toàn bộ số tiền là 238,3 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần âm còn lại trong năm 2016 đã được bù đắp. Hết ngày 28.2, cổ phiếu TPBank đã về mệnh giá 10.000 đồng theo giá trị sổ sách, bản thân ngân hàng không còn lỗ, không còn âm vốn thặng dư”, ông Phú cho biết.

Tại đại hội, nhiều cổ đông băn khoăn về khoản đầu tư vào TPBank trong suốt 8 năm qua. Một cổ đông cho biết ông đã tham gia vào TPBank từ đầu với vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu tới giờ chưa có một đồng cổ tức nào, việc bán cổ phiếu cũng rất khó khăn, nhất là cổ phiếu còn dưới mệnh giá.

Về vấn đề này, ông Phú cho biết, trong 8 năm đó thì mất 1 nửa thời gian là TPBank gặp khó khăn và một nửa thời gian là phục hồi. “Hy vọng năm 2017 sẽ khởi sắc vì ngân hàng đã bù đắp được các khoản lỗ và TPBank bắt đầu có lãi”, ông Phú cho biết.

img

Hiện cổ phiếu TPBank đang giao dịch trên thị trường OTC khoảng 8.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, với việc mua cổ phiếu TPBank với giá 6.000 đồng/cổ phiếu năm 2012 để tham gia tái cơ cấu, ông Đỗ Minh Phú đã có lãi khoảng 472 tỷ đồng sau 5 năm đầu tư.

Cũng tại đại hội, nhiều cổ đông quan tâm tới việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, ông Phú cho biết, theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), NHNN các ngân hàng sẽ phải niêm yết trên sàn. Ngoài ra, việc niêm yết trên sàn cũng phải đảm bảo bù đắp đủ lỗ luỹ kế, hoạt động ổn định.

“Hiện cổ phiếu TPBank đã về mệnh giá 10.000 đồng theo giá trị sổ sách, nên đã đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán từ ngày 28.2.2017. Tuy vậy, chúng tôi muốn ổn định kinh doanh, thị trường chứng khoán cũng cần ổn định, minh bạch”, ông Phú cho biết.

Theo ông Phú, trong năm 2017, TPBank sẽ lên sàn, còn việc lựa chọn lên sàn nào, hay thời điểm cụ thể lên sàn HĐQT sẽ nghiên cứu và sẽ trình cổ đông sau.

“Hiện chúng tôi chưa thể nói với cổ đông ngày nào tháng nào sẽ lên sàn. Tuy nhiên, việc này sẽ làm nhanh thôi, sẽ thực hiện trong năm 2017”, ông Phú nhấn mạnh.

Cũng tại đại hội, nhiều cổ đông băn khoăn về việc TPBank phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức cho IFC có trái luật hay không và điều này có công bằng với cổ đông khác hay không?

Ông Phú cho biết, việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức cộng dồn là đúng pháp luật. Khi làm việc này là đã xin tư vấn của các tổ chức, xin ý kiến NHNN và IFC cũng là tổ chức tôn trọng pháp luật.

“Còn việc ưu đãi cổ tức cộng dồn, thì chúng tôi cũng phải đảm bảo hoạt động có lãi mới chia cổ tức. Với lại, cổ đông đã ưu đãi cổ tức thì không được giới thiệu người tham gia điều hành ngân hàng. Được ưu đãi cái này thì không được cái kia”, ông Phú cho biết.

Tại ĐHĐCĐ, ông Phú cũng cho biết, năm nay, điểm khó khăn của TPBank chính hệ thống mạng lưới mỏng. Năm 2017, TPBank sẽ đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, ít nhất là 4 điểm giao dịch và một văn phòng đại diện ở phía Nam.

Về kế hoạch thoái vốn của những cổ đông lớn là Mobifone và Tổng công ty tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) tại TPBank. Về Mobifone, ông Phan Tuấn Anh, đại diện Mobifone cho biết Mobifone đã đồng hành cùng TPBank từ ngày đầu thành lập. Tuy nhiên do Mobifone đầu tư ngoài ngành nên phải thoái vốn theo yêu cầu của Chính phủ. Năm 2017 Mobifone sẽ thoái nốt vốn tuy nhiên việc hợp tác vẫn thực hiện bình thường.

Còn đại diện của Vinare thì cho biết chức năng của Vinare là hoạt động trong lĩnh vực tài chính và năm nay Tổng công ty chưa có kế hoạch thoái vốn khỏi TPBank.

“Sau một thời gian ngân hàng khó khăn và hiện đã có chiều hướng phát triển tốt. Ban lãnh đạo tổng công ty chưa có kế hoạch gì về việc thoái vốn khoản đầu tư này”, đại diện Vinare cho biết.