Dân Việt

Hè này, trồng chanh leo phủ xanh sân thượng lại có thức uống đã đời

S.E.N 22/04/2017 06:30 GMT+7
Là một trong những loại cây vừa có quả tạo ra loại thức uống dịu mát mùa hè, vừa có tán phủ xanh sân thượng nhà bạn, chanh leo không hề khó trồng như bạn nghĩ và việc sở hữu một giàn chanh leo trên sân thượng là điều hoàn toàn có thể.

Cứ vào dịp hè khi mà tiết trời oi nóng bức bối, các chị em nội trợ lại đua nhau tìm đến những loại thực phẩm giải nhiệt. Một trong số đó phải kể đến những trái chanh leo, loại quả làm thức uống thanh mát lại giàu chất dinh dưỡng rất hợp để giải nhiệt mùa nắng nóng.

img

Trồng chanh leo để làm thức uống giải khát không phải là chuyện quá xa lạ đối với nhiều nông dân phố. Sở hữu dàn chanh leo sai quả trên sân thượng tầng 5, anh Nguyễn Quốc Tuấn (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) chia sẻ: "Mình trồng giàn chanh leo này đã được 3 năm, cây rất sai quả và cũng không khó trồng. Cuối giờ chiều hè vào những ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng con cái mình thường lên đó vui chơi và thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi và thưởng thức những ly nước chanh leo chua chua, ngọt ngọt mát lạnh".

img

Chanh leo (chanh dây) là loại cây dễ trồng ở vườn nhà phố, chúng có thể leo ban công, làm đẹp khu vườn nhỏ trên sân thượng.

Để trồng chanh leo bạn cần chuẩn bị: đất trồng, hạt giống, dụng cụ trồng,..

Với đất trồng, theo anh Tuấn, chanh leo là loại cây trồng không quá kén đất. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, đất càng thoát nước thì càng tốt cho cây…

img

Về hạt giống, giống chanh dây quả tím được nhiều người chọn làm giống. Loại giống này có khả năng tự thụ phấn cao, ít biến dị, có thể nhân giống bằng hạt. Có hai cách để các nông dân phố lưa chọn: 

Thứ nhất, nếu muốn trồng chanh leo từ hạt giống, bạn nên tìm mua những quả chanh leo già có phần vỏ nhăn nheo màu tím sẫm. Sau khi mua về, dùng dao bổ đôi quả chanh, dùng muỗng lấy toàn bộ ruột rồi rửa sạch phần cơm nhầy, chỉ giữ lại hạt đen bên trong và để ráo nước.

img

Thứ hai, để rút ngắn thời gian và tiết kiệm công sức chăm sóc, bạn có thể tìm mua tại các chợ cây hay các cửa hàng bán cây giống. Nên chọn những cây giống cao, có thân chắc khỏe và lá tươi xanh để giảm bớt rủi ro trong quá trình gieo trồng.

Với dụng cụ trồng, bạn có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn trong nhà như thùng xốp, chậu cây cảnh, xô, chậu nhựa bỏ đi,... để trồng chanh leo. Lưu ý, những dụng cụ trồng phải đục lỗ dưới đáy để cây không bị úng nước.

Tiến hành trồng chanh leo:

Anh Quốc Tuấn khuyên những nông dân phố, "trước khi gieo, bạn cần ngâm hạt trong vòng 24-36 giờ, nước đạt 2 sôi - 3 lạnh. Sau khi ngâm, tiến hành gieo hạt vào chậu đất có đường kính 30cm với khoảng cách đều nhau rồi phủ thêm một lớp đất mỏng để che kín hạt. Sau đó, tưới nước để cung cấp độ ẩm và đặt chậu ở nơi thoáng đãng có tiếp xúc với ánh sáng mặt trời để hạt nhanh nảy mầm hơn."

Từ 2 đến 3 tuần sau đó, hạt giống đem gieo sẽ nảy mầm. Sau khoảng 6 tuần trở đi cây đã đạt chiều cao tầm 8cm, lúc này bạn có thể chọn lọc cây con tốt và khỏe để giữ lại trồng, những cây yếu bạn nên loại bỏ đi.

img

Cây chanh leo là loại cây cần độ ẩm cao, cần nhiều lượng nước nhiều và thường xuyên vì vậy thường tưới 2 ngày 1 lần, nhất là vào mùa khô, anh Tuấn lưu ý.

img

Sau khoảng 3 tháng, bạn cần cho chanh leo leo lên một giá đỡ chắc chắn để bám và phát triển. Làm giàn cho chanh leo: Làm giàn có ưu điểm là dễ chăm sóc, vì thân dây leo, lá, trái đều bám trên một đường thẳng nên rất dễ theo dõi, từ việc tưới tiêu đến tỉa cảnh – lá, phát hiện sâu bệnh. Bạn có thể làm giàn bằng dây điện, sắt hay gỗ đều được.

img

Tùy theo từng điều kiện của mỗi gia đình mà có các giàn cho chanh leo leo hợp lý. Có thể làm giàn theo kiểu giàn mướp hoặc kiểu chữ T. Giàn kiểu chữ T chanh leo phát triển tốt hơn do ánh sáng tiếp xúc bề mặt tán lớn, hạn chế nấm bệnh.

Khi trồng chanh leo được khoảng 20 ngày thì tiến hành bón phân một lần.

img

Khi chanh leo đã leo lên giàn và phát triển tươi tốt thì bạn cần phải cắt tỉa lá, cành thường xuyên để giàn cây được thông thoáng và có chỗ để cây ra hoa, đơm quả. Từ khi hoa nở đến khi có quả chín sẽ mất khoảng 60 - 90 ngày.

Bón phân: Ngoài chế độ chăm sóc thường xuyên như làm cỏ, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, cần bón thêm phân cho cây sau mỗi đợt thu hái và tỉa cắt, nhằm tạo điều kiện cho cây nhanh chóng hồi phục và bù đắp dinh dưỡng đảm bảo cho một đợt ra cành và hoa mới.

img

Theo kinh nghiệm và tham khảo của anh Tuấn thì bạn nên bón phân đạm, kali và bánh dầu cây sẽ xanh tốt, đơm hoa nhiều và rất sai quả.

img

Về sâu bệnh: Là một loại dây leo, cách trồng chanh leo cũng gặp phải một số vấn đề phổ biến liên quan đến sâu bệnh, điển hình nhất là bệnh đốm nâu. Ngoài bệnh đốm nâu, cây chanh leo còn có thể mắc phải một số thể bệnh khác như bệnh thối quả, bệnh phấn trắng… nên cần đươc phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn trên từng sản phẩm.

img

Thu hoạch thành quả: Chanh leo sẽ ra hoa sau khoảng 5-6 tháng gieo trồng. Khi trái bắt đầu chuyển qua màu tím thì có thể thu hoạch được.