Giá cao ngất ngưởng chưa từng có như vậy không những nhà vườn mà ngay cả cánh thương lái cũng sốt ruột. Bởi, lượng dừa có thể thu gom trong ngày chưa bằng 1/3 so với trước kia. “Chỉ 3 tháng về trước, mỗi ngày tôi mua được hơn 7.000 trái dừa tươi các loại nhưng nay cùng lắm là 1.500 trái mà thôi. Cũng vì lượng trái giảm như vậy nên nhiều mối bán dừa cũng bắt đầu “ẹo” do có quá nhiều lái đến vườn kê giá. Ngay cả người bẻ dừa lâu nay của tôi cũng “ẹo” theo vì thu nhập của anh ấy từ khoảng 1,5 triệu đồng/ngày nay chỉ còn phân nửa”, ông Lê Đăng Tính - một thương lái dừa tươi ở xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cho biết.
Người dân Bến Tre vận chuyển dừa tươi đi tiêu thụ. Ảnh: Internet
Cũng theo ông Tính, giá dừa lên cao không chỉ vì lượng trái giảm mà bởi thị trường đang hút hàng và trái dừa xiêm đang xuất khẩu với số lượng ngày càng nhiều hơn. “Tôi cũng khẳng định rằng dù lượng dừa xiêm hiện nay tại Bến Tre không bị giảm năng suất nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Tôi và một số lái quen phải từ chối những đơn hàng số lượng lớn do không thể thu mua đủ theo yêu cầu của họ” - ông Tính nói thêm.
Giá dừa xiêm tăng mạnh đã kích thích nhiều nhà vườn đẩy mạnh việc đầu tư chăm sóc cho vườn dừa. “Dừa treo đọt trong những tháng mùa khô là quy luật rồi cộng với ảnh hưởng thiên tai hạn mặn của những tháng đầu năm 2016 nên mức độ có nghiêm trọng hơn. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục loại bỏ những loại dừa lai, tôi vừa làm hệ thống tưới bán tự động với kinh phí hơn 15 triệu đồng cho 5 công dừa của mình” - nông dân Phạm Văn Tri ở xã Giao Hòa, huyện Châu Thành cho hay.
Nhiều vườn dừa khác ở huyện Châu Thành cũng đã và đang được nông dân lắp đặt hệ thống này vì sẽ tiết kiệm được chi phí tưới tiêu; quan trọng hơn là vườn dừa sẽ đủ nước để cho trái sai trong mùa khô ở các năm tiếp theo. Ngoài ra, việc có hệ thống tưới tiêu hợp lý cũng là một điều kiện quan trọng để nhà vườn trồng xen hiệu quả.
Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân đang tích cực hơn trong việc trồng chuyên canh giống dừa xiêm đang diễn ra khá mạnh mẽ tại 2 huyện Châu Thành và Giồng Trôm. Cùng với đó, nhiều cơ sở chế biến dừa cũng chuyển sang gia công trái dừa xiêm cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết cũng vì người nông dân nóng lòng nên chỉ 15 - 20 ngày là kêu lái đến vườn thu hoạch. Thu hoạch trái dừa với khoảng thời gian như vậy khiến cho những trái dừa tươi không đủ độ cứng gáo cần thiết cho việc xuất khẩu.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chế biến dừa khô cũng lo ngại, với đà chuyển đổi sang bán trái dừa tươi, cũng như sang trồng các loại cây ăn trái sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro thiếu nguồn cung dài hạn cho họ. Mặc dù hiện nay, giá dừa khô nguyên liệu cũng đang dao động từ 105 - 120 ngàn đồng/chục những vẫn khó lòng tạo sự hấp dẫn người trồng dừa.
“Nếu chọn dừa tươi thì thời gian chăm sóc chỉ mất khoảng 7 tháng nhưng dừa khô thì mất đến gần 1 năm mới bán được. Ngoài ra, dừa tươi còn được chọn bán lúc giá cả cao hơn dừa khô. Trường hợp dừa tươi giảm giá vẫn giữ lại chờ bán khô được. Với giá như hiện nay, việc nông dân chọn bán dừa tươi là khá dễ hiểu” - một cán bộ công tác ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích.
Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng cho rằng, việc trồng xen trong vườn dừa đang ngày càng phát huy hiệu quả, thậm chí nguồn thu từ trái dừa đã trở thành thứ yếu so với cây trồng xen. Vì vậy, việc người nông dân bỏ hơn 3 năm để trồng mới, đổi lấy một sự chênh lệch nhỏ về thu nhập giữa trái dừa xiêm tươi và dừa khô chắc chắn sẽ không nhiều. Trong khi đó, diện tích vườn dừa khô chiếm đến hơn 2/3 trong tổng số khoảng 70 ngàn héc-ta dừa toàn tỉnh.