Đối tác Mỹ và Đức đều nợ lớn
Theo báo cáo của VNPT lên Thủ tướng Chính phủ, hợp đồng VoIP giữa Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT-I đơn vị thành viên của VNPT) với VITC (Mỹ) được thực hiện và phát sinh doanh thu trong 5 năm, từ đầu 2012 đến giữa 2016. Nợ phải thu của VITC là 20.316.705,7 USD, quy đổi tỷ giá tại thời điểm hạch toán tương đương với hơn 322,5 tỷ đồng. VNPT cũng cho biết, khoản tiền cuối cùng mà VNPT-I nhận được từ VITC (Mỹ) là 840.000 USD vào ngày 15.3.2015 để thanh toán cơ bản cước tháng 1.2015. Tháng 4.2016, VNPT-I đã cắt 5 kênh E1 (trong tổng số 7 kênh E1) dùng cho kênh VoIP trả sau với VITC. Đến ngày 1.7.2006 VNPT-I đã chấp dứt hợp đồng VoIP trả sau với VITC.
VNPT cũng cho biết, VNPT-I cũng đã dùng mọi biện pháp thu hồi nợ như đàm phán, khởi kiện…đều không có kết quả do VITC (Mỹ) lâm vào tình trạng kháng kiệt về tài sản.
Với đối tác EurAsia (Đức), VNPT cũng cho biết, hợp đồng VoIP giữa VNPT-I và EurAsia (Đức) được thực hiện và phát sinh doanh thu trong hơn 2 tháng (từ 1.9.2013 đến 1.11.2003). Ngay từ kỳ thanh toán cước đầu tiên, EurAsia đã chậm thanh toán. Ngày 7.11.2003 VNPT-I đã cắt kênh dịch vụ với EurAsia theo đề nghị ngày 4.11.2003 của EurAsia với lý do có sự cố xẩy ra đối với công ty.
Tổng cước phải thu phát sinh trong 2 tháng thực hiện hợp đồng là hơn 676.734 USD, thực tế thu được 433.844, 7 USD, còn nợ đến nay là hơn 430.233 USD ( trong đó hơn 242.890 USD tiền gốc và hơn 187.333 USD tiền lãi trả chậm). VNPT-I đã trích lập dự phòng cho khoản nợ phải thu khó đòi của EurAsia từ 2005 đến 2011 là 3,84 tỷ đồng, tương đương hơn 244.272 USD. VNPT-I cũng tìm nhiều cách thu hồi nợ của EurAsia nhưng một Công ty luật tư vấn cho VNPT-I đã thông báo tài liệu của cơ quan chức năng của CHLB Đức cho thấy, công ty EurAsia không còn tồn tại.
Như vậy, các khoản nợ lớn của cả 2 đối tác EurAsia (Đức) và VITC (Mỹ) VNPT-I lên tới 326 tỷ đồng gần như không còn khả năng thu hồi.
Hàng loạt các cán bộ bị xử lý
Theo văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, VNPT cho rằng: Thời điểm năm 2001 - 2002, việc phát triển VoIP quốc tế là loại hình dịch vụ rất mới, dịch vụ thử nghiệm nên vừa triển khai vừa học hỏi kinh nghiệm, kiến thức về dịch vụ VoIP cũng như việc nghiên cứu, tìm hiểu và lựa chọn đối tác của cá nhân được giao nhiệm vụ còn hạn chế, nhất là trong việc tổ chức thực hiện các công việc để tiến tới ký kết và thực hiện hợp đồng.
VNPT cũng cho biết, khi đối tác chậm thanh toán, Ban triển khai dự án đã không thực hiện việc chấm dứt hợp đồng là chưa thực hiện đúng quy định nêu trong hợp đồng. Hành vi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng nợ đọng. Nếu thận trọng và tuân thủ quy định là chấm dứt hợp đồng khi đối tác vi phạm điều khoản kể từ ngày chậm thanh toán tháng thứ 3, tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực thì doanh thu của VNPT-I là gần 1 triệu USD và không để nợ đọng xảy ra. Ngoài ra, VNPT-I không thẩm định tư cách pháp lý, năng lực tài chính, năng lực kinh doanh của đối tác trước khi ký hợp đồng.
Theo đó, VNPT-I đã kỷ luật các cá nhân có liên quan như sau: Đối với ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc VNPT-I đồng thời là Trưởng Ban triển khai dự án là đối tượng thuộc VNPT xem xét, xử lý kỷ luật. VNPT xác định ông Khánh phải chịu trách nhiệm chính trong ký kết và tổ chức thực hiện hợp đồng. Hình thức kỷ luật với ông Khánh là “cảnh cáo”.
Đối với ông Nguyễn Lưu Bình, thành viên Ban triển khai dự án, Trường phòng kinh doanh, Hội đồng kỷ luật VNPT-I tiến hành kỷ luật và cách chức Trưởng phòng kinh doanh, chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn; cách chức, chuyển công việc có mức lương thấp hơn đối với ông Lê Quang Hà, thành viên Ban triển khai dự án, Trưởng phòng kỹ thuật; đối với bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Trưởng phòng Thanh toán quốc tế, thành viên Ban dự án với vi phạm không chấp hành nhiệm vụ được giao để hoàn tất hồ sơ khởi kiện quốc tế về VoIP nên đã bị xử lý sa thải.
Mặc dù VNPT đã phân cấp cho VNPT-I chủ động tổ chức thực hiện dịch vụ VoIP, nhưng VNPT-I là đơn vị trực thuộc Tập đoàn VNPT nên ban lãnh đạo VNPT đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xin nhận khuyết điểm trước Thủ tướng Chính phủ về việc chưa có những chỉ đạo đúng đắn và kịp thời về việc xác định năng lực của đối tác cũng như để hạn chế nợ cước viễn thông quốc tế.
VoIP là viết tắt của (Voice Intenet Protocol) là một bước phát triển của công nghệ viễn thông, với công nghệ này thông tin được truyền đi bằng cách chia sẻ băng thông giữa nhiều kênh logic và có thể dễ dàng thay đổi băng thông; hiệu quả sử dụng băng thông cao hơn nhiều so với công nghệ cũ và kết quả thì giá cước cuộc gọi giảm nhiều. Khi kinh odanh dịch vụ VoIP, nhà khai thác trung gian không có hạ tầng mạng mà trực tiếp đầu tư toàn bộ thiết bị cần thiết vào mạng sẵn có của nhà mạng (có kinh nghiệm kinh doanh VoIP và có tiềm lực), có thể hợp tác cùng một lúc với nhiều nhà mạng để gom lưu lượng chiều đi, chiều đến các nhà mạng sau đó xác định doanh thu, chi phí trên cơ sở lưu lượng hiện tực để phân chia lợi ích. |