Xe máy bị cho là kẻ “chiếm đất” gây kẹt xe
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, cấu trúc đô thị TP hiện nay không phù hợp cho việc phát triển ô tô nhưng đang phù hợp với xe máy. Vì vậy, kiến nghị cấm xe máy hoàn toàn là sai lầm, không thực tế.
Theo quan điểm của ông Cương, xe máy đang làm lợi cho TP chứ không gây thiệt hại như một số ý kiến cho rằng xe máy gây thiệt hàng tỷ đô la. “Ý kiến này dựa trên cách tính phiến diện khi kết tội cho xe máy. Tôi nói một cách định tính, nếu không có xe máy thì khó đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong những năm qua”, ông Kim chia sẻ.
“Chi phí TP bỏ ra để mở rộng đường, quy hoạch đô thị để cho xe buýt tiếp cận nhà dân thời gian qua là bao nhiêu, theo tôi đó là số tiền không nhỏ. Qua đó mới thấy xe máy là phương tiện “cứu cánh” giao thông đô thị trong điều kiện TP chưa đảm bảo phát triển ô tô buýt để người dân tiếp cận dễ dàng và đầy đủ. Hệ thống đường thiếu, chưa đồng bộ, khu dân cư toàn đường hẻm…”, ông Cương nhận xét.
“Xe máy nhanh hơn xe buýt, có lưu lượng lớn hơn xe buýt và có thể đi vào các đường hẻm. Ngoài ra, đi xe máy cũng cho năng xuất lao động cao hơn xe buýt khi quỹ thời gian phương tiện này ít hơn rất nhiều so với xe buýt”, TS Kim nêu.
Từ những dẫn chứng trên TS Kim Cương nhận định rằng xe máy không phải là nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông mà chính phương tiện này có tác dụng giảm tắc nghẽn giao thông. Tuy nhiên, về lâu dài theo ông Kim, việc hạn chế xe máy là cần thiết để TP văn minh, hiện đại. “Xe máy cũng có những bất lợi vì thiếu an toàn, không phù hợp với điều kiện kinh tế của người giàu… Vì vậy, không nên cấm hoàn toàn xe máy mà chỉ thí điểm ở một số khu vực”, ông Kim nói.
“Chúng ta không thể cấm 100% và phải có lộ trình, thời gian thích hợp. Khi metro hoàn thành, phương tiện công cộng đầy đủ, giao thông kết nối phù hợp… thì người dân sẽ thấy được cái gì có lợi và sử dụng”, TS Cương nhận định và cho rằng quyền của người dân là họ có thể lựa chọn phương tiện để đi. Do đó, cơ quan quản lý không thể sử dụng biện pháp hành chính để làm mệnh lệnh bắt người dân phải đi bằng phương tiện này, bỏ phương tiện kia.
Theo các chuyên gia, cấm xe máy cần phải có lộ trình và có giải pháp đô thị đồng bộ. Một khi phương tiện công cộng đầy đủ, giao thông kết nối phù hợp thì người dân sẽ tự bỏ xe máy.
Theo TS Cương, cơ quan chuyên ngành cần phải làm sao để người dân tự nguyện nhưng không phải thả nổi. Trên tinh thần người dân tự nguyện đó, ngành giao thông cần phải có định hướng, tạo điều kiện về phương tiện công cộng tốt hơn thì lập tức người dân sẽ hưởng ứng.
Trước đó trong cuộc hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân – Thực trạng và giải pháp” tại TP.HCM, PGS. TS Phạm Xuân Mai – nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM đã có những phát biểu gây tranh cãi về vấn đề này.
PGS. TS Phạm Xuân Mai cho rằng xe máy là thủ phạm chính gây ra tai nạn giao thông, làm chết gần 10.000 ngàn người và hàng chục ngàn người bị thương mỗi năm – tương đương số người chết của 43 vụ rơi máy bay hạng trung.
“Nhưng cứ mỗi lần đề xuất là lại có ý kiến bàn lui vì lo ảnh hưởng đến người nghèo”, ông nói, và cho rằng đất nước giờ không còn nghèo nữa, nên “đừng đem cái nghèo ra dọa nhau mãi”.
TS Phạm Sanh – Chuyên gia nghiên cứu giao thông - đô thị cho rằng giải quyết kẹt xe phải có giải pháp và kế hoạch để có sự đồng thuận người dân. “Còn hở chút cấm, hạn chế thì theo tôi là thể sự hiện bất lực, như một giải pháp tồi, không có tâm và vô trách nhiệm với người dân. Chúng ta cấm xe máy thì đi bằng xe gì”, ông Sanh gay gắt.
Việc cấm xe máy không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn xúc phạm đến 80-90% dân số, đặc biệt là người thu nhập...