Dân Việt

Cột mốc Trường Sa trong lòng dân đất Quảng

Trương Hồng 25/04/2017 06:30 GMT+7
Giữa vùng cát trắng xứ Quảng, cột mốc khẳng định chủ quyền đảo Trường Sa mọc lên thể hiện tấm lòng sắt son của những người lính Cụ Hồ và là lời căn dặn con cháu sau này mãi mãi gìn giữ biển đảo của ông cha đã bao đời đổ xương máu bảo vệ…

Tâm huyết của những cựu binh

Đến Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) - xã vinh dự 3 lần được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) - ai ai cũng sẽ bất ngờ thấy một cột mốc chủ quyền biển đảo mang tên Trường Sa mọc lên giữa đồng cát trắng ngay trung tâm hành chính xã. Đây là công trình chứa đựng nhiều tâm huyết của những người cựu chiến binh trên “mảnh đất thép” Bình Dương.

img

Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa mọc lên từ tấm lòng người dân Bình Dương. Ảnh: T.H

“Công trình cột mốc chủ quyền Trường Sa mang ý nghĩa như một sự kết nối giữa truyền thống hào hùng của quê hương trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm với tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hôm nay và mai sau”. 

Ông Phan Văn Lài

Ông Phan Văn Lài - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Dương cho biết: Công trình cột mốc Trường Sa được mô phỏng nguyên mẫu cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Lớn (tỉnh Khánh Hòa). Công trình được khởi công xây dựng tháng 8.2016 và hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 27 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (6.12.2016).

Công trình có chiều cao 6m tính từ chân đế lên đến đỉnh cột, chiều rộng là 1,7m. Đây là công trình vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá granite, các chữ trên cột được làm nổi bằng chất liệu phun đồng. Tổng số tiền xây dựng cột mốc gần 70 triệu đồng, do chính hội viên, cán bộ, nhân dân và các mạnh thường quân đóng góp.

Theo ông Phan Văn Lài, để chào mừng đại hội Cựu chiến binh các cấp nhiệm kỳ 2017-2022, Hội Cựu chiến binh xã Bình Dương đã họp bàn để lựa chọn làm một công trình ý nghĩa. Sau khi thảo luận nhiều ý tưởng, Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã thống nhất chọn công trình mô phỏng cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn. “Ngoài sự đóng góp của hội viên ra, Hội Cựu chiến binh xã xin ý kiến của Đảng ủy xã kêu gọi vận động xã hội hóa thêm để công trình được hoàn thành như ước vọng của những người lính Cụ Hồ năm xưa và khắc ghi lại cho con cháu đời sau mãi mãi gìn giữ và bảo vệ những quần đảo, biển của ông cha ta hy sinh biết bao xương máu bảo vệ cho đến hôm nay…” - ông Lài chia sẻ.

Ông Hồ Chí Lĩnh (53 tuổi, cựu chiến binh xã Bình Dương) từng tham gia chiến đấu ở quần đảo Trường Sa từ năm 1987-1990 trên 2 đảo chìm Đá Lát và Đá Lớn nên  thấu hiểu sự hy sinh, tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ hải quân luôn vững chắc tay súng để bảo vệ từng mảnh đất, từng hòn đảo của Tổ quốc. “Khi nghe tin Hội Cựu chiến binh xã có ý tưởng xây dựng một công trình lấy nguyên mẫu cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn, tôi vô cùng phấn khởi, tự hào như được sống lại những năm tháng trong kháng chiến ác liệt để bảo vệ các đảo của quần đảo Trường Sa. Cột mốc này sẽ lưu giữ, tuyên truyền cho thế hệ mai sau biết được Việt Nam ta có những quần đảo cần được bảo vệ mãi mãi về sau…” - cựu chiến binh Lĩnh chia sẻ.

Thông điệp gìn giữ chủ quyền

img

Cột mốc chủ quyền Trường Sa được xây dựng nằm ngay trục đường trung tâm xã Bình Dương. Ảnh: Trương Hồng

Công trình được xây dựng theo nguyên mẫu cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn (tỉnh Khánh Hòa) với chiều cao 6m tính từ chân đế lên đến đỉnh cột, chiều rộng là 1,7m. Đây là công trình vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép, bên ngoài ốp đá granite, các chữ trên cột được làm nổi bằng chất liệu alu đồng. 

Bình Dương là xã ven biển, người dân nơi đây bao đời gắn bó ở những ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, hiểu rõ từng hòn đảo của Tổ quốc. Người dân “mảnh đất thép” Bình Dương cũng luôn tự hào về truyền thống lịch sử cách mạng, nơi vinh dự được Nhà nước 3 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng. Năm 1969 và năm 1972, xã Bình Dương được phong tặng Anh hùng LLVTND, đến năm 1985 xã tiếp tục được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ông Võ Văn Trị - Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương cho biết: Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Dương bị địch càn quét khốc liệt trở thành “vùng trắng”, nhưng nhân dân Bình Dương vẫn kiên trì bám trụ, cùng với lực lượng du kích, các đơn vị bộ đội nhỏ địa phương chiến đấu ngoan cường quyết gìn giữ mảnh đất kiên trung. Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Bình Dương có đến 4.700 người bị địch giết chết (chiếm hơn nửa số dân ngày đó), toàn xã có 1.367 liệt sĩ, 300 Mẹ Việt Nam anh hùng.

Sau khi hoàn toàn giải phóng, nhân dân Bình Dương bắt tay ngay vào công việc rà phá bom mìn, khai hoang, phục hóa xây dựng nhằm cải thiện đời sống nhân dân. Người dân Bình Dương đã chung tay biến hàng trăm hécta cồn cát trở thành những cánh rừng thông, phi lao ngút ngàn, vừa có tác dụng chắn cát, chắn gió biển xâm thực, vừa bảo vệ nguồn nước, môi trường sống. Đến nay xã Bình Dương có hơn 8.000 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,05%, thu nhập bình quân đầu người hiện nay là 23 triệu đồng.

Nói về cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa nằm ngay trung tâm hành chính xã, Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương ông Võ Văn Trị cho biết: Sau khi nghe Hội Cựu chiến binh xã có đề xuất, chính quyền, các hội, đoàn thể và nhân dân trong xã rất ủng hộ vì đây là một công trình rất có ý nghĩa để giáo dục lòng yêu nước, trách nhiệm của các thế hệ hôm nay trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Xuất phát từ ý tưởng đó, Đảng ủy, HĐND xã Bình Dương đã giao Hội Cựu chiến binh xã, những người lính năm xưa xây dựng để sâu sát hơn. “Mục đích xây dựng cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa này cũng nhằm giáo dục thế hệ mai sau, con em, học sinh hiểu biết về biển đảo của nước Việt chúng ta mà lịch sử đã khẳng định chủ quyền không bao giờ tranh cãi được. Không những xây dựng cột mốc chủ quyền Trường Sa, chúng tôi còn có ý tưởng thành lập một Ban biên tập để sưu tầm tư liệu về lịch sử biển đảo; lịch sử nước Việt nhằm hỗ trợ thêm kiến thức cho các em học sinh, thế hệ mai sau nắm bắt thêm thông tin, truyền thống cội nguồn và phát huy truyền thống yêu nước…” - ông Trị tâm sự.

Những người lính năm xưa đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập cho Tổ quốc, thời bình lại cống hiến công sức xây dựng đất nước, giờ đến tuổi gần đất xa trời, của họ vẫn còn đọng lại ở những việc làm thiết thực như khắc ghi định danh biển đảo của Tổ quốc, thể hiện mãi mãi một lòng yêu nước và cùng nhau bắt tay gìn giữ biển đảo đã bao đời ông cha bảo vệ.