Dân Việt

Vinatex thua lỗ 1.500 tỷ đồng: Dàn lãnh đạo chịu trách nhiệm gì?

Mạnh Quân - Phương Dung 25/04/2017 10:32 GMT+7
Dù tham gia góp vốn và được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm dẫn đến dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng nhưng Vinatex vẫn cho rằng, "việc cần rút kinh nghiệm là trong giai đoạn triển khai đầu tư chưa có phản ánh kịp thời để đẩy nhanh tiến độ".

img

Vinatex và dự án thua lỗ gần 1500 tỷ đồng

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) mới đây đã phải thực hiện kiểm điểm sau Kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về xử lý sau thanh tra việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ và Dự án nhiên liệu sinh học.

Năm 2002, Vinatex khi đó là Tổng công ty Dệt May đã làm việc với Tổng công ty Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) về nghiên cứu xây dựng nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ quy mô 50-100 tấn/năm với ý định sản xuất xơ từ hạt nhựa.

Ngày 15/7/2007, PVN đã ký thoả thuận hợp tác đầu tư với Vinatex và thành lập CTCP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) để quản lý đầu tư nhà máy trên.

Năm 2008, Hội đồng quản trị PVTEX phê duyệt duwjans xơ sợi Đình Vũ với tổng mức đầu tư gần 325 triệu USD, tương đương 5.437 tỷ đồng tính theo tỷ giá tại thời điểm đó; 30% số vốn đầu tư này là của chủ sở hữu, còn lại đi vay. Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và theo tính toán của chủ đầu tư, dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8/2013 và đã bàn giao đi vào sản xuất kinh doanh, dự kiến sẽ hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng.

Tuy nhiên, kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án này thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỷ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn.

Sau kết luận Thanh tra, Vinatex đã thành lập Hội đồng chỉ đạo kiểm điểm để chỉ đạo và triển khai thực hiện kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân cán bộ của Vinatex tham gia Dự án đầu tư Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ nói trên.

Các nội dung HĐQT, HĐTV Vinatex giai đoạn 2007-2014 cần kiểm điểm làm rõ theo kết luận thanh tra bao gồm việc uỷ quyền của Vinatex cho PVN làm chủ đầu tư là việc làm thiếu trách nhiệm của Vinatex trong việc thực hiện chủ trương của nhà nước đối với phát triển ngành xơ sợi. Theo kết luận thanh tra, Vinatex là cổ đông có nhiều kinh nghiệm hơn PVN trong phần kéo sợi và chất lượng xơ sợi nhưng lại không hỗ trợ PVN trong việc thực hiện, không thực hiện đúng thoả thuận cam kết.

Bên cạnh đó, Vinatex phải góp vốn đủ như cam kết trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành lập PVTEX nhưng Vinatex đã không góp vốn theo quy định, chỉ góp vốn theo thoả thuận với PVN, trong đó Vinatex vay PVN 229,6 tỷ đồng, Tổng công ty Phong Phú vay 82 tỷ đồng… Việc chuyển nhượng vốn giữa Vinatex và PVN phải được lập phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng PVN và Vinatex đã không thực hiện lập phương án này.

Về hiệu quả dự án, sau khi đi vào hoạt động 2 năm, dự án không đạt hiệu quả, kết quả thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng. Nguyên nhân được chỉ ra là do công tác chỉ đạo, giám sát hoạt động của PVN, Vintex đối với vai trò đại diện chủ sở hữu vốn và người đại diện vốn tại PVTEX chưa thường xuyên, kịp thời, có nhiều thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện.

Việc quản lý đầu tư xây dựng của chủ đầu tư cũng còn nhiều vi phạm quy định dẫn đến chi phí tăng cao, suất đầu tư lớn. Trách nhiệm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra thuộc về HĐQT, Tổng giám đốc các đơn vị liên quan gồm PVN, Vinatex, PVTEX.

Điểm danh lãnh đạo Vinatex trước các sai phạm

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ trách nhiệm quản lý của một số lãnh đạo Vinatex trước một số sai phạm. Cụ thể, ông Trần Quang Nghị - Trưởng nhóm đại diện vốn Vinatex giai đoạn từ 27/2/2008-24/11/2008, theo kết luận Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn là đại diện vốn cùng với ông Lê Tiến Trường phải có trách nhiệm báo cáo mọi vấn đề liên quan trong quá trình triển khai dự án với HĐQT Vinatex.

Tuy nhiên, kết quả kiểm điểm của Vinatex đối với ông Trần Quang Nghị khẳng định “với vai trò trưởng nhóm đại diện vốn của Vinatex tại PVTEX, ông Trần Quang Nghị đã thực hiện nghiêm túc việc xin ý kiến HĐQT Vinatex, tham gia họp HĐQT và Đại hội cổ đông bất thường bỏ phiếu đúng tinh thận được HĐQT phê duyệt…” Những việc cần rút kinh nghiệm của ông Nghị được Vinatex chỉ ra là “ông Trần Quang Nghị cũng có khuyết điểm là chưa sát sao kiểm tra các phần việc chi tiết mà thành viên trong nhóm đại diện vốn Vinatex thực hiện”.

Ngoài ra, ông Lê Tiến Trường là thành viên nhóm người đại diện vốn từ 1/3/2008-28/7/2008; Tổng giám đốc PVTEX từ 1/3/2008-3/7/2008. Theo kết luận Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn là Chủ tịch PVTEX từ 4/7/2008-2/12/2008, ông Trường đã ký quyết định phê duyệt dự án không tổ chức thẩm định, không tổ chức thẩm định kế hoạch đấu thầu, không thẩm định khi phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời thầu không yêu cầu các tiêu chuẩn cơ bản về năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy xơ sợi…

Kết quả kiểm điểm với ông Trường của Vinatex cho biết, những việc đã làm đúng là ông sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại PVTEX theo sự phân công, điều động của HĐQT Vinatex, tuân thủ các quy định pháp luật và điều lệ trong 5 tháng làm Chủ tịch HĐQT Vinatex, tuân thủ nguyên tắc làm việc của HĐQT PVTEX… “Những việc cần rút kinh nghiệm của ông Trường bao gồm việc trong quản lý, điều hành chưa đảm bảo đầy đủ các bước về thủ tục hành chính trong công tác thẩm định mà đã kế thừa kết quả thẩm định của PVN.

Ngoài ra, do tiết kiệm chi phí nên trong thời gian giai đoạn mới bắt đầu dự án, ông Lê Tiến Trường không tuyển dụng bộ máy chuyên trách giúp việc HĐQT để hỗ trợ thực hiện đầy đủ thủ tục các bước thẩm định như kết luận thanh tra nêu”, Vinatex cho biết. Đối với cá nhân khác là đại diện vốn bao gồm ông Phạm Văn Tuyên - người đại diện từ 29/7/2013-7/7/2014 và ông Phan Việt Hảo - người đại diện từ 7/7/2014-31/12/2014 phải chịu trách nhiệm trong giai đoạn sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án không đạt hiệu quả, kết quả kinh doanh lỗ 1.472 tỷ đồng.

Kết quả kiểm điểm, Vinatex cho biết, người đại diện vốn của Vinatex đã “nghiêm túc chấp hành sự phân công của HĐQT Vinatex, tuân thủ nghiêm túc Điều lệ Tập đoàn và Quy chế quản lý người đại diện vốn của Vinatex”.

Đồng thời, hoàn thành trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước, có báo cáo thường xuyên đối với HĐQT, HĐTV Vinatex trong suốt quá trình được cử tham gia dự án.

Và việc “cần rút kinh nghiệm”, theo Vinatex là “trong giai đoạn triển khai đầu tư, chưa có phản ánh kịp thời để HĐQT Vinatex có ý kiến với PVTEX trong đẩy nhanh tiến độ dự án”.

“HĐQT Vinatex đã có những nhận thức và rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình tham gia xây dựng dự án. Tuy nhiên, để đánh giá khách quan hơn vai trò của Vinatex trong quá trình xây dựng và khai thác vận hành dự án, Hội đồng chỉ đạo của Vinatex đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét tháo gỡ thêm một số khó khăn”, Vinatex cho biết.