Dân Việt

Bán hàng đa cấp: Người tham gia khó được đảm bảo quyền lợi

Thanh Xuân 26/04/2017 06:30 GMT+7
Theo Bộ Công Thương, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để công ty giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp.

Hàng loạt sai phạm

Sáng 25.4, đại diện Bộ Công Thương cho biết, quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm minh các vi phạm của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Tuy nhiên, vừa qua, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Như vậy, bản chất của sự việc không phải Bộ Công Thương rút giấy phép như một số thông tin trên báo chí.

img

Trụ sở Thiên Ngọc Minh Uy tại Cầu Giấy, Hà Nội.  Ảnh: T.X

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Nghị định 42/2014, sau khi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.  

Theo Bộ Công Thương, căn cứ Kết luận kiểm tra số 343/KL-BCT ngày 12.1.2017 của Bộ Công Thương về việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (trụ sở chính tại A6/D11-A7/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quy trình điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.  Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra theo quy định của Luật Cạnh tranh và ban hành quyết định xử lý đối với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, trong đó phạt tiền 140.000.000 đồng đối với 3 hành vi vi phạm: Ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với người tham gia bán hàng đa cấp không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 24, Nghị định 42/2014.  Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định pháp luật vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 20, Nghị định 42/2014. Duy trì nhiều hơn một mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp, vi phạm quy định tại điểm (p) khoản 1 Điều 5, Nghị định 42/2014.

 Cục Quản lý thị trường đã tiến hành xử phạt Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tổng cộng 75.000.000 đồng đối với  2 hành vi: Không thông báo với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp sau khi sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa.

Ngoài ra, theo báo cáo của các Sở Công Thương, trong năm 2016, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy cùng các đại lý và người tham gia bán hàng đa cấp của mình đã thực hiện 80 lượt vi phạm đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42/2014 và pháp luật có liên quan tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng.

Buông lỏng quản lý

Xung quanh vụ việc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tự xin dừng hoạt động và nhiều công ty đa cấp bị rút giấy phép thời gian gần đây, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, PGS-TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, đáng lẽ các cơ quan chức năng phải xử lý mạnh tay sớm hơn để giảm hậu quả cho người tham gia.

PGS Thắng đánh giá, bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh trên thế giới được thực hiện từ lâu nhưng khi vào Việt Nam lại biến tướng, trở thành công cụ lừa bịp. Nhiều trường hợp chính quyền địa phương phát hiện ra dấu hiệu bất thường nhưng khi thanh tra lại thấy có đầy đủ các giấy phép của cơ quan chức năng nên các địa phương không làm gì được. Qua đó mới thấy các cơ quan chức năng cũng chưa làm đến nơi đến chốn.

Mặt khác, địa phương nhiều nơi cũng buông lỏng quản lý hoạt động đa cấp, nhất là nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chính quyền không vào cuộc kịp thời. Hậu quả là khi hàng trăm, hàng nghìn người bị lừa, phải gánh chịu hậu quả, chính quyền địa phương mới vào cuộc thì đã quá muộn.

Về giải quyết quyền lợi của những người tham gia bán hàng đa cấp, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh cho biết: Theo quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp, các công ty kinh doanh đa cấp phải giải quyết quyền lợi cho toàn bộ các cá nhân tổ chức đã tham gia vào hệ thống của mình khi tuyên bố tạm dừng kinh doanh hoặc bị rút giấy phép kinh doanh đa cấp. Nhưng trên thực tế, việc để bảo đảm quyền lợi cho những cá nhân của các công ty này là rất khó khi đã ngừng hoạt động. Do vậy, các cá nhân tham gia cứ trông đợi vào những khoản lợi nhuận lãi do được hứa hẹn là rất cao sẽ là những người bị thiệt thòi lớn nhất.

“Về phía nhà nước, tôi cho rằng cần tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn đồng thời có những biện pháp khắc phục hậu quả tạm thời, ví như việc cho vay vốn lãi suất thấp để “khởi nghiệp lại” hay là tạo công ăn việc làm cũng như các trợ cấp xã hội khác” - luật sư Truyền nói.