Dân Việt

Giá lợn rớt thê thảm: Khơi thông thị trường ASEAN thay Trung Quốc

Đình Thắng 26/04/2017 06:20 GMT+7
Việc các doanh nghiệp (DN) giảm giá bán thức ăn, thuốc thú y, con giống là sự chia sẻ hết sức cần thiết đối với người chăn nuôi lợn. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, một vướng mắc rất quan trọng khác cần được tháo gỡ đó là khơi thông thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Trách nhiệm này thuộc Bộ Công Thương.

Cần khơi thông thị trường ngoài ASEAN

Trao đổi với Dân Việt chiều 25.4, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) Việt Nam cho biết: “Việc các DN lớn trong lĩnh vực TĂCN và chế biến cam kết giảm giá thức ăn, thuốc thú y, con giống là hoàn toàn khả thi và đấy là sự chia sẻ rất lớn cho các hộ nuôi lợn trong bối cảnh họ không bán được lợn mà vẫn phải duy trì việc chăm sóc. Bên cạnh đó, các DN cũng cam kết tăng sức thu mua lợn trong dân để dự trữ chế biến sâu, đồng thời giảm giá bán các sản phẩm thịt lợn ra thị trường, đây là động thái kích cầu tiêu dùng rất tốt”.

img

Trại nuôi lợn quy mô lớn ở xã Trưng Vương, huyện Tiền Hải, Thái Bình.  Ảnh: T.D

Tuy nhiên theo ông Lịch, như thế vẫn chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Việc cần làm sớm là phải điều tiết lại thị trường cả xuất khẩu và nội địa. Các thị trường cạnh nước ta đều có nhu cầu nhập khẩu thịt lợn như Singapore, Philippines, Brunei, Trung Quốc, Nhật Bản… nhưng thịt lợn Việt Nam vẫn không vào được thị trường nào. Đây là trách nhiệm của Bộ Công Thương.

“Bao năm qua chúng ta vẫn xác định khu vực ASEAN là thị trường tiềm năng, vậy mà đến nay chúng ta chưa hề ký kết hiệp định thương mại, hiệp định thú y với các nước đó. Nếu các hiệp định này chưa được ký kết thì DN không thể tiến hành các hoạt động xuất khẩu được. Thị trường nội địa cũng tồn tại quá nhiều vấn đề, việc để lợn tồn đọng dư thừa quá lớn trong dân, giá thịt lợn sụt giảm kỷ lục chưa từng thấy là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Khi bán lợn hơi với giá 25.000 đồng/kg, người nuôi đang lỗ 40%, trong lúc đó giá thịt lợn bán cho người tiêu dùng vẫn cao, tại sao lại có sự vô lý như thế?” – ông Lê Bá Lịch đặt câu hỏi.

Nếu cứ đi bán tươi  thịt lợn theo hình thức cổ truyền, hoặc chỉ ăn rang, kho với luộc thì biết bao giờ mới tiêu thụ hết sản phẩm? Hiện nay nhiều DN đã đủ lực chế biến sâu, Bộ sẽ chỉ đạo địa phương rà soát lại vấn đề giết mổ chế biến để tạo thuận lợi cho DN đẩy mạnh chế biến, đảm bảo đa dạng sản phẩm, phục vụ đầy đủ các phân khúc thị trường”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Tại cuộc họp với các DN sản xuất TĂCN, chế biến thực phẩm ngày 24.4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã nhấn mạnh thêm một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết sự dư thừa, ổn định cung cầu: “Cần nhanh chóng rà soát đàn lợn để giảm quy mô, tốc độ tăng trưởng đến mức phù hợp nhất, đặc biệt là giảm đàn lợn nái. Hiện cả nước có 4,2 triệu lợn nái là quá lớn. Mục tiêu đến năm 2019 phải giảm nái xuống còn 3 triệu con, nhưng sức sinh sản phải như 4,2 triệu con. Có những tập đoàn có bộ giống 1 nái sinh sản 30 - 32 con/năm, trong khi đó người dân vẫn duy trì nái sinh sản tỷ lệ 20-22 con/năm thì làm sao giảm giá thành được. Vì vậy cần rà soát để giảm cơ học và tăng chất lượng giống tiến bộ nhất nhằm hạ giá thành”.

Vấn đề quan trọng thứ hai, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp là tập trung tổ chức lại ngành hàng này theo hướng, một mặt mở rộng chăn nuôi lợn tập trung, nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ cần tổ chức lại sản xuất của bà con theo tổ đội, hợp tác xã, DN nhỏ để liên kết với nhau, giảm đầu vào, có kế hoạch cho đầu ra. Mặt khác, số nông hộ không có điều kiện chăn nuôi lợn tập trung thì chủ động phát triển các vật nuôi khác.

“Siết” chặt hơn nữa khâu giống

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Cường, ông Phạm Văn Học – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho rằng: “Bộ NNPTNT cần siết chặt điều kiện chăn nuôi để kiểm soát việc tăng đàn, cụ thể là đưa ra các yêu cầu, kiều kiện nhất định để mở trang trại”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Vũ Chí Cương – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết: “Tôi vừa có chuyến công tác ở Trung Quốc và nhận thấy ngành chăn nuôi chỉ quản lý giống, không quản lý thương mại. Bộ NNPTNT sẽ chịu trách nhiệm chính quản lý giống vật nuôi, quản lý các cơ sở sản xuất giống. Tất cả các cơ sở sản xuất giống đều phải có trách nhiệm cung cấp số liệu thông tin hàng tháng, hàng quý về việc sản xuất, buôn bán. Hàng năm Bộ NNPTNT sẽ tính toán nhu cầu thị trường trong nước, sau đó áp số lượng sản xuất tương ứng cho tất cả các đơn vị sản xuất, và như thế các đơn vị chỉ được phép sản xuất theo số lượng đó. Nếu công ty giống nào sản xuất nhiều hơn thì chỉ có thể xuất khẩu chứ không được phép bán ra thị trường trong nước. Họ quản lý như vậy nên cung cầu không bị chênh lệch”.

“Chúng ta chưa quản lý được như thế. Bây giờ nếu hỏi cơ quan nhà nước mỗi năm tổng số giống do các cơ sở sản xuất ra bao nhiêu, những giống gì thì chắc không ai nắm rõ. Nếu không nắm bắt được nhu cầu trong nước năm nay bao nhiêu, không nắm được lượng giống sản xuất ra bao nhiêu thì khó mà cân đối được thị trường, lúc đó tình trạng cung vượt cầu, cầu vượt cung là điều dễ hiểu. Chỉ khi nào chúng ta có cơ chế quản lý các cơ sở sản xuất giống, quản lý số lượng con giống thì chúng ta mới kiểm soát được tình hình” – ông Vũ Chí Cương nói.