Dân Việt

MS1723: Nghẹn lòng ước mơ được học làm bác sĩ của cậu bé "vảy cá"

Trần Toản 13/05/2017 15:41 GMT+7
“Cháu muốn được đi chữa bệnh, muốn khỏi bệnh để được đi học để trở thành bác sỹ, để đi chữa những người có cùng bệnh tật cảnh ngộ như cháu và đi làm kiếm tiền nuôi mẹ”, Nam nói.

Gia đình có 6 người, bà nội đã trên 80 tuổi, bố bị bệnh thần kinh bẩm sinh, mẹ bị hẹp van tim, cả nhà Nam sống nhờ vài sào ruộng và 30.000 đồng tiền quấn vàng mã mỗi ngày. 

Có người bảo đem con đi vứt

Một buổi chiều muộn, tìm đến thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội, khi chúng tôi hỏi thăm nhà anh Khương, chị Thủy, những người dân địa phương nhiệt tình chỉ đường và nói với theo: “Chắc lại đến xem bệnh thằng cu Nam đây mà”.

Vừa bước vào nhà chị Thủy – anh Khương, chúng tôi vô cùng xúc động trước hình ảnh đáng thương của cậu con trai đầu lòng của anh chị là cháu Lương Văn Nam đang bóc những lớp da trên cơ thể một cách đau đớn. Đôi mắt của bé không có tuyến lệ nên nước mắt cứ ứa ra, sưng mọng như những giọt máu trực trào ra khóe mắt.

img

Chị Phạm Thị Thủy bên cạnh cậu con trai mắc bệnh vảy nến (á sừng) của mình. Ảnh Trần Toản

Chị Thủy tay vẫn làm hàng mã, nước mắt cứ rơi và bắt đầu kể: “Tôi mang thai cháu Nam năm 1997, khi mang thai thì bình thường như bao người phụ nữ khác, đến ngày trở dạ tôi được gia đình đưa ra trạm y tế xã. Sau khi tôi sinh con, nhân viên y tế lẫn những người xung quanh vô cùng hoảng sợ vì con trai tôi nằm trong 1 cái bọc đen như bọc da trâu. Mọi người nhanh chóng đưa tôi đi bệnh viện, đầu tiên tôi vào Bệnh viện Nhi Trung ương, sau đó lại chuyển sang da liễu, chưa đầy một tháng dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa, nhưng gia đình nhà chồng tôi nhất quyết lên xin cho cháu về.

Khi về nhà, hàng ngày tôi chỉ biết ngồi ôm con khóc, cứ như vậy tôi ôm con trên tay suốt 3 năm trời, trong 3 năm đó những mảng da trên cơ thể cháu dần dần bong tróc, và cứ bong đến đâu tôi liều bóc đến đó. Chính vì bóc được nên cháu mới có hình dạng như bây giờ, nếu không trên cơ thể cháu đều nổi cộm toàn vảy sừng màu đen.

Thời gian cứ thế trôi qua, đến năm 6 tuổi cháu mới bắt đầu biết đi, trong khoảng thời gian khó khăn đó, đã có người bảo tôi mang con đi vứt ở ngoài chợ, ngoài chùa, nhưng dù thế nào thì đó cũng là con tôi đẻ ra, tôi phải có trách nhiệm chăm nuôi và lương tâm tôi không làm như vậy được”.

Chị Thủy cho hay, hằng ngày chị vẫn phải mua thuốc bôi mát da để tránh nứt nẻ. Mùa hè thời tiết nóng, mồ hôi không thoát ra được, khắp mặt và người cháu Nam đỏ lên nên phải tắm ít nhất 10 lần/ngày, khăn mặt lúc nào cũng đội lên đầu để làm mát cơ thể. Còn thời tiết hanh khô thì các lớp da nứt toác, tứa máu khiến cơ thể các bé đau rát.

img

Chị Thủy đang chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho gia đình. Ảnh Trần Toản 

“Gia đình tôi có 6 người, bố của cháu Nam (anh Khương ) thì bị bệnh về thần kinh bẩm sinh, mẹ chồng tôi năm nay đã 80 tuổi mắc nhiều chứng bệnh của tuổi già nhưng vẫn phải nai lưng ra kiếm tiền, cháu Nam thì không làm được gì và phải mất một người trông. Năm 2013 tôi phải đi mổ tim vì mắc chứng bệnh hẹp van tim hết 350 triệu, giờ vẫn còn nợ 70 triệu ”. Chị Thủy cho biết.

Quay trở lại vấn đề bệnh của em Nam, chị Thủy lặng đi một lúc rồi nói tiếp: “Bác sĩ nói cháu bị mắc bệnh vảy nến á sừng, nhưng nhiều nơi lại bảo cái bị bệnh vảy da cá. Tôi chỉ biết, hiện giờ mỗi ngày cháu nó phải bôi hết 1 lọ kem dưỡng ẩm và mùa đông cũng như mùa hè cháu không thể sống thiếu nước (tắm khoảng gần 10 lần/ngày) vì khi da bị khô, các vết nứt lại ứa máu đau đớn vô cùng ”.

Ước mơ được cắp sách đến trường

Mong ước duy nhất bây giờ của chị Thủy là chỉ cần xã hội cảm thông, chia sẻ với cháu Nam để Nam tự tin sống tốt hơn. Chị Thủy cho biết thêm, trước đây cháu Nam rất muốn được đi học. Suốt 20 năm qua, Nam không được tới trường như những bạn bè cùng trang lứa nên nhiều khi Nam rất tủi thân.

img

Do mắc bệnh vảy nến (á sừng) nên hàng ngày cháu Nam phải tắm nhiều lần để tránh bong tróc và lở loét toàn thân. Ảnh Trần Toản

Nhưng lòng chị Thủy cũng đâu có vui gì, chị kể lại: "Hồi cháu được 5 tuổi, tôi đưa cháu đi học mẫu giáo. Tuy nhiên, các thầy cô giáo đều lắc đầu từ chối và khi đến lớp các trẻ khác rất sợ hãi và hay gọi cháu là "con ma", có đứa thấy thế sợ quá mà bị ốm. Sợ con tủi thân, một phần cũng là lo ảnh hưởng đến các bạn, gia đình không cho con đi học nữa”.

Mọi người khuyên chị đi khám chữa và phẫu thuật căn bệnh hẹp van tim nhưng chị Thủy sợ tốn kém và sợ... chết nên nhất định không đi.

Chị nói: “Bây giờ tôi mà vào bệnh viện thì kiểu gì cũng “khám ra” vài ba bệnh, mà những bệnh này chắc tốn kém nhiều tiền lắm. Mười nghìn đồng trong túi có lúc còn không có, thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh”.

Lúc nào cũng đinh ninh như thế nên hơn mấy chục năm nay người phụ nữ này đã chấp nhận sống chung với những cơn đau do bệnh tim hành hạ mà không kêu than nửa lời. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay chị Thủy đang cùng lúc mắc nhiều chứng bệnh nan y như: Bệnh hẹp van tim, bệnh dạ dày, bệnh nội tiết...

img

Do mắc bệnh vảy nến (á sừng) nên người cháu Nam bong tróc lở loét. Ảnh Trần Toản

Mà có khi chị cũng không còn thời gian để ý đến bệnh của mình vì phải gồng lên làm lụng nuôi chồng mắc bệnh thần kinh, mẹ già 80 tuổi và cậu con trai bệnh tật. Cả nhà chỉ có 2 sào ruộng khoán, một mình chị Thủy phải nai lưng ra làm. Có những ngày thời tiết nắng nóng như thiêu như đốt chị vẫn phải chống gậy đi ra đồng làm.

Ngày gặt lúa, nhà người khác có vợ có chồng, làm chỉ vài ngày là xong, nhà chị Thủy chỉ có một mình chị vừa bệnh tật vừa gặt vừa thở không ra hơi, lay lắt cả tuần mới xong. Nhiều hôm chị đi làm còn bị bà con “đuổi về nhà không cho làm” vì mọi người lo chị chết ngất giữa đồng.

Ngoài những lúc rảnh rỗi chị Thủy lại nhận công việc làm thêm là làm gấp vàng mã thuê với thu nhập bấp bênh 30.000 đồng/ngày. Tuy nhiên với thu nhập bấp bênh đó cũng không đủ chi phí thuốc thang cho cả 6 người cùng mắc bệnh chứ nói gì đến chi phí sinh hoạt hàng ngày. Và cho đến nay với số tiền nợ ngân hàng và bà con lối xóm lên tới hơn 70 triệu đồng, chị Thủy hoàn toàn không có khả năng trả nợ.

Ngồi đối diện Nam, tôi hỏi:

- Bây giờ mong muốn lớn nhất của cháu là gì?

 - “Cháu muốn được đi chữa bệnh, muốn khỏi bệnh để được đi học để trở thành bác sỹ, để đi chữa những người có cùng bệnh tật cảnh ngộ như cháu và đi làm kiếm tiền nuôi mẹ”.

img

Mặc dù đang mắc bệnh tim nhưng chị Thủy và mẹ già 80 tuổi vẫn nhận làm hàng mã thu nhập 30.000 đồng để hàng ngày trang trải chi phí thuốc thang sinh hoạt

Trao đổi với chúng tôi về gia đình chị Phạm Thị Thủy, ông Nguyễn Văn Thuận – Trưởng thôn Hoàng Xá cho hay: “Hoàn cảnh gia đình chị Thủy đặc biệt khó khăn nhất nhì trong thôn. Bản thân chị Thủy đang mắc bệnh tim nhưng hàng ngày vẫn phải oằn lưng chăm lo cho cậu con trai mắc bệnh vảy cá và chồng thần kinh hâm dở, mẹ già đã 80 tuổi. Bà con lối xóm chúng tôi vẫn thường qua gia đình chị Thủy thăm hỏi nhưng do kinh tế trong thôn còn gặp nhiều khó khăn nên cũng chỉ về mặt tinh thần là chủ yếu”.

Mọi sự hảo tâm giúp đỡ mẹ con chị Phạm Thị Thủy xin gửi về: Chị Phạm Thị Thủy - thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội.

Hoặc Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay, lô E2, Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội qua số tài khoản 1506311002117 Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội.

Xin ghi rõ ủng hộ chị Phạm Thị Thủy

Xin chân thành cảm ơn.